Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG chia sẻ, HPG quyết định tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 25/6/2020 tại Hà Nội. Dự kiến, HĐQT trình phương án kinh doanh với doanh thu khoảng 85.000 - 95.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 9.000 - 10.000 tỷ đồng.
Về cổ tức, ông Long cho biết, dự kiến đề xuất trình ĐHĐCĐ cổ tức 2019 tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Tỷ lệ 5% bằng tiền mặt này là sự cố gắng lớn của Hòa Phát trong giai đoạn đầu tư.
"Các bạn đừng thấy 5% là con số bé, đó là con số rất lớn ở thời điểm hiện tại nếu so với hàng trăm công ty trên sàn. Từ năm 2020, Hòa Phát bắt đầu giảm đầu tư nên sẽ quay lại chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm", ông Long chia sẻ.
Đối với lĩnh vực kinh doanh thép, đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, chứ không phải Formosa. Hiện tại thị phần thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 31,4%, dẫn đầu cả nước và đã vươn lên dẫn đầu về sản lượng bán hàng ở thị trường miền Nam.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính của HPG cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020, dư nợ của Hòa Phát tăng lên khoảng 46.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn tăng xoay quanh 22.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn tăng thêm 3.000 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt sẽ tăng lên tương ứng. Do đó, nợ ròng của Hòa Phát (tức dư nợ trừ tiền mặt) đến cuối năm cũng xoay quanh mức 35.000 tỷ đồng như thời điểm hiện nay, đảm bảo sức khỏe tài chính an toàn.
Đánh giá về tác động của Covid-19, ông Long cho rằng, ngành thép ít bị ảnh hưởng, sau khi các nền kinh tế phong tỏa thì hậu tái thiết sẽ phải đầu tư công rất nhiều. Gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng của Việt Nam chủ yếu giải ngân vào đường sá, cầu cống, sẽ giúp thép tiêu thụ tương đối tốt. Nhưng thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới.
"Năm 2020, tăng trưởng tiêu thụ thép sẽ là số dương chứ không phải số âm", ông Long nhận định.
Với việc xuất khẩu phôi sang Trung Quốc, ông Long cho rằng, đây là phép thử cạnh tranh rất lớn vì Trung Quốc là cường quốc thép và chứng minh được sức cạnh tranh của thép Hòa Phát. Tất nhiên, Hòa Phát sẽ đa dạng hóa thị trường chứ không bỏ trứng vào một giỏ và đang xuất khẩu phôi sang nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Khẳng định xuất khẩu phôi có lãi, theo giá thị trường, tất nhiên là không cao như thép thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là xuất đi được sang Trung Quốc, ông Long cũng cho rằng, thị trường chính của Hòa Phát là nội địa chứ không phải xuất khẩu.
Năm 2020, Hòa Phát đặt kế hoạch 3,6 triệu tấn thép xây dựng, 800.000 tấn phôi, 500.000 tấn HRC (bắt đầu chạy từ tháng 9). Sản lượng công ty tôn năm 2020 là 120.000 tấn. Sản phẩm ống thép đặt kế hoạch tương tự sản lượng thực hiện của 2019.