Nastec đã xây dựng một nhà máy tại Trung Quốc từ năm 1992, lý do gì khiến công ty của ông quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa tại Việt Nam?
Năm 1992, chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên ở bên ngoài Nhật Bản, nằm tại Thượng Hải. Mục đích ban đầu của nhà máy này là sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm trở lại Nhật Bản.
| ||
Ông Hattori Kiyoshi, Tổng giám đốc Công ty Nastec Việt Nam (Nhật Bản) |
Tuy nhiên, do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, nhu cầu đối với các sản phẩm liên quan đến dụng cụ cắt kim loại của chúng tôi tăng cao tại quốc gia này.
Vì vậy, chúng tôi phải xây thêm một nhà máy mới để xuất khẩu sản phẩm trở về nội địa.
Sau khi nghiên cứu, chúng tôi quyết định đầu tư vào Việt Nam từ năm 2005 vì quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, nhân công rẻ và tiềm năng phát triển trong tương lai lớn.
Hiện tại, 95% sản phẩm của chúng tôi được xuất khẩu về Nhật Bản.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân công Việt Nam?
Do sản phẩm của chúng tôi là những vật dụng nhỏ để xuất khẩu, vì vậy chúng tôi phải sản xuất rất nhiều sản phẩm khác nhau, để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tôi nghĩ rằng, đây là một thách thức về kỹ thuật.
Đối với công ty chúng tôi, một công nhân mới cần phải mất 3 năm để làm công việc thành thạo. Ngoài ra, để có thể tự đọc được những bản vẽ và hiểu được mục đích của chúng, cũng như nghĩ ra cách giải quyết và lên kế hoạch làm việc, còn cần nhiều thời gian hơn nữa.
Nhưng trên thực tế, không cần thiết tất cả nhân viên đều phải đạt đến trình độ đó. Hiện tại, chúng tôi có khoảng 10 nhân viên trong tổng số 180 nhân viên có thể đạt được mức này. Đây là điều rất tuyệt vời trong bối cảnh hiện nay.
Để có được những nhân viên giỏi như vậy, Nastec đã đào tạo họ thế nào?
Chúng tôi bắt đầu công việc tại Việt Nam với 80 nhân viên và 25 người trong số đó hiện tại vẫn còn làm tại Công ty. Tất cả nhân viên của Công ty khi mới bắt đầu làm việc đều không có kinh nghiệm. Vì vậy, chương trình đào tạo kỹ năng cho họ là điều bắt buộc.
Đào tạo kỹ thuật là cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng, trước khi đào tạo kỹ thuật cho nhân viên, cần thiết phải đào tạo họ về kiến thức cơ bản khác.
Ví dụ, họ nghĩ thế nào về tương lai? Nếu họ chọn một công việc chỉ vì lương và thay đổi công việc liên tục, họ sẽ không có được một kiến thức hay kinh nghiệm tích lũy nào cho bản thân.
Tôi vẫn thường nói với nhân viên rằng, nếu họ kiên nhẫn theo đuổi một công việc và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, thì sẽ có khả năng nghĩ sâu hơn về kỹ năng làm việc và sau đó, họ có thể chuyển những suy nghĩ đó thành kỹ thuật riêng của họ.
Như tôi nói ở trên, hiện có 10 nhân viên của tôi là người Việt Nam có thể làm được điều đó, như vậy là rất tốt.
Tại Nastec Việt Nam, hiện có bao nhiêu người Nhật đang làm việc?
Khi chúng tôi mới bắt đầu tại Việt Nam, có tất cả 5 người Nhật làm việc tại đây để quản lý và chia sẻ kinh nghiệm. Nhưng hiện tại, chỉ có một mình tôi.
Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng cơ chế hoạt động, mà ở đó, người quản lý bản địa có thể giải quyết bất cứ tình huống nào khi không có người Nhật nào có mặt ở đó.
Tôi tin rằng, chúng tôi đã xây dựng được một văn hóa làm việc riêng, ở đó không chỉ có cách làm việc kiểu Nhật Bản, mà còn có cả phong cách làm việc kiểu Việt Nam.
Nastec Việt Nam sẽ tham gia hai triển lãm “Manufacturing Expo” và “METALEX Vietnam” tại Hà Nội vào tháng tới. Ông có thể chia sẻ một vài thông tin về hai triển lãm này?
Chúng tôi đã ở Việt Nam 8 năm. Tôi thấy rằng, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang dần phát triển và có thể sẽ cần nhiều hơn sản phẩm của chúng tôi.
Vì vậy, chúng tôi quyết định tham gia hai triển lãm “Manufacturing Expo” và METALEX Vietnam”. Mặc dù hiện tại Việt Nam không có nhiều nhu cầu về sản phẩm của chúng tôi, nhưng trong 5-10 năm tới, khi ngành công nghiệp phát triển, sẽ có nhiều công ty đến mua hàng của chúng tôi tại thị trường này giống như đã từng xảy ra ở Trung Quốc.
Bảo Trâm