Tài chính - Chứng khoán
Hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác: Quyền đương nhiên của trái chủ
Bài viết này muốn mang đến cho độc giả, nhất là các trái chủ, một cách nhìn khác về giá trị thực chất của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 5/3/2023 cũng như các quyền cơ bản của trái chủ vốn đã tồn tại trước và sau khi nghị định này có hiệu lực.
Để gỡ “nút thắt” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, cần có giải pháp tổng thể

Trước cơn khủng hoảng thanh khoản và đỉnh điểm đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08) được dư luận đánh giá là phản ứng kịp thời và trách nhiệm của Chính phủ.

Một nội dung quan trọng của Nghị định 08 là việc “cho phép” các doanh nghiệp được hoán đổi nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn bằng một tài sản khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều này góp phần “gỡ nút thắt” cho doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình tài chính của mình, qua đó giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Một số ý kiến lại thể hiện sự e ngại rằng, việc cho phép các doanh nghiệp chuyển đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác, thường là bất động sản, có thể dẫn đến việc quyền lợi của trái chủ bị giảm đi, và các doanh nghiệp có thể lợi dụng cơ chế này để bán hàng tồn kho hay ép trái chủ phải nhận các bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý hay thương mại.

Bản chất vay mượn của trái phiếu

Đầu tiên, để có một cái nhìn đúng về vai trò của việc “cho phép” doanh nghiệp chuyển đổi nợ trái phiếu thành tài sản khác theo Nghị định 08, cần hiểu bản chất của việc mua trái phiếu và thanh toán trái phiếu.

Trước tiên, cần khẳng định rằng, quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của con người. Theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948), một người luôn có quyền sở hữu tài sản của anh ta độc lập hoặc đồng thời cùng người khác và không ai có thể bị tự ý tước đoạt tài sản.

Ở Việt Nam, Hiến pháp (năm 2013) cũng nêu rõ, tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ. Khi con người có quyền sở hữu tài sản, người đó có quyền chiếm hữu, sử dụng (thụ hưởng) và định đoạt, như được quy định tại Bộ luật Dân sự (năm 2015). Các quyền này bao gồm cả việc cho vay, cho mượn tài sản. Quyền cho vay, cho mượn tài sản của một người được gắn liền với quyền vay, mượn tài sản của người khác.

Pháp luật Việt Nam định nghĩa, trái phiếu xác nhận về quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trái phiếu đối với phần nợ của đơn vị phát hành. Do đó, cần hiểu đúng rằng, các văn bản dưới luật như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định 08 quy định về trái phiếu là các quy phạm kỹ thuật để quản lý hoạt động này sao cho nó được diễn ra an toàn, vì lợi ích của cả bên vay và bên cho vay, cũng như sự ổn định của nền kinh tế và tài chính. Các văn bản này hay các cơ quan ban hành văn bản này không có quyền thêm, bớt hay hạn chế các quyền con người hay tổ chức về tài sản nói chung và liên quan vay mượn thông qua trái phiếu nói riêng.

Hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản là sự đương nhiên được “chính thức hóa”

Quan hệ vay tiền thông qua phát hành trái phiếu là quan hệ dân sự (hay giao dịch dân sự). Quyền tự do ý chí, tự do thỏa thuận và định đoạt là quyền cơ bản của các bên trong quan hệ dân sự và là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Bởi vậy, bên vay (doanh nghiệp) và bên cho vay (trái chủ) thỏa thuận lại về thời hạn thanh toán nợ (thanh toán trái phiếu) là quyền đương nhiên của các bên (dù bên vay có trả được nợ hay không).

Trong trường hợp doanh nghiệp (hay bên bảo lãnh khoản vay) không có khả năng trả nợ (thanh toán trái phiếu), không có một cá nhân hay tổ chức khác có nghĩa vụ trả nợ thay và cũng không có quy định của pháp luật hay chính sách nào có thể tìm ra cách làm “mất” khoản nợ đó. Trong khi, chủ nợ (trái chủ) không thể đụng chạm ngay đến tài sản của con nợ (doanh nghiệp) hay chủ doanh nghiệp hoặc người đang làm việc ở đó để thu hồi nợ. Do đó, hai bên cần (và đương nhiên phải có quyền) thỏa thuận về việc hoãn, giãn nợ hay trả nợ bằng hình thức khác (trong đó có tài sản).

Vì vậy, nên hiểu rằng, việc Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với chủ nợ về việc thanh toán nợ (thanh toán trái phiếu bằng tài sản) là sự “chính thống hóa” hay “chính thức hóa” quyền cơ bản của các bên, chứ không thể hiểu là “hợp pháp hóa” việc đó, vì việc đó chưa bao giờ là trái luật, thậm chí còn thuộc về quyền cơ bản của các bên theo pháp luật, như đã phân tích ở trên. Nói cách khác, đây là sự chính thức hóa về mặt kỹ thuật thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý.

Chủ nợ có rất nhiều quyền

Với các cơ chế đã có sẵn để bảo vệ chủ nợ hiện tại, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không thể và không nên lợi dụng Nghị định 08 để bán hàng tồn kho hay ép trái chủ phải mua tài sản, sản phẩm bất động sản của mình để bù vào phần tiền phải trả khi trái phiếu đến hạn.

Tài sản hoán đổi phải đủ điều kiện giao dịch

Thứ nhất, cần hiểu bản chất của việc thanh toán hay hoán đổi trái phiểu bằng tài sản khác như vậy là việc “gán nợ”, tức một giao dịch mua bán tài sản mà tiền bán tài sản khác của doanh nghiệp phát hành trái phiếu (thường là bất động sản) sẽ được khấu trừ cho một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp đó.

Thứ hai, giao dịch này phải tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo Bộ luật Dân sự (năm 2015), một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật. Theo đó, nội dung giao dịch, bao gồm tài sản được giao dịch, phải đủ điều kiện giao dịch theo quy định pháp luật.

Ví dụ, trong trường hợp doanh nghiệp đề xuất thanh toán trái phiếu bằng nhà chung cư hình thành trong tương lai, theo Luật Kinh doanh bất động sản (năm 2014), để được đưa bất động sản được hình thành trong tương lai vào kinh doanh, bên cạnh việc phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…, còn phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành phần móng của tòa nhà đó.

Việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai cũng phải được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng. Nếu tài sản thỏa thuận trả thay nợ trái phiếu chưa đủ điều kiện giao dịch, thì thỏa thuận đó sẽ vô hiệu.

Đồng thời, giao dịch hoán đổi nợ trái phiếu giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tự do ý chí và tự do thỏa thuận.

Với 3 cơ sở trên, trái chủ không thể bị doanh nghiệp ép buộc hay lừa dối để tham gia giao dịch, mà có thể bước ra khỏi việc đàm phán bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào ý chí của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Trong trường hợp thương lượng, đàm phán không đạt kết quả, trái chủ vẫn có đầy đủ các biện pháp bảo vệ lợi ích của mình, như các biện pháp được trao cho chủ nợ trong trường hợp “con nợ” không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bao gồm khởi kiện, yêu cầu thi hành án, hay mở thủ tục phá sản.

Quyền khởi kiện thu hồi nợ và thi hành án

Trái chủ có quyền khởi kiện doanh nghiệp theo thỏa thuận phát hành trái phiếu tại tòa án hoặc trọng tài thương mại, tùy theo thỏa thuận về giải quyết tranh chấp trong đó. Đi kèm với việc khởi kiện thu hồi nợ là quyền yêu cầu thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 114, Bộ luật Tố tụng dân sự (năm 2015) và Điều 49, Luật Trọng tài thương mại (năm 2010), trong đó có các biện pháp như phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản.

Lưu ý, trong quá trình tố tụng, trái chủ và doanh nghiệp vẫn có quyền thỏa thuận để đạt sự đồng thuận về việc “gán nợ” đã nêu, sau đó đồng thuận chấm dứt tranh chấp.

Khi quyết định, bản án hay phán quyết trọng tài đã có hiệu lực, trái chủ - lúc này là bên được thi hành án, có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành bản án hay phán quyết đó, bao gồm cả các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 114, Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 49, Luật Trọng tài thương mại.

Tương tự quá trình tố tụng, trong suốt quá trình thi hành án, trái chủ và doanh nghiệp luôn có quyền thỏa thuận với nhau và có thể đạt thỏa thuận về “gán nợ” bằng tài sản của doanh nghiệp.

Quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp

Như đã phân tích ở trên, nợ trái phiếu đến hạn chính là một khoản nợ của doanh nghiệp với trái chủ theo quy định của pháp luật. Vì thế, việc mở thủ tục phá sản sẽ kích hoạt một loạt cơ chế dành cho doanh nghiệp lâm vào tình cảnh phá sản, như phải chịu sự giám sát của Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, phải báo cáo về tất các cả hoạt động liên quan đến tài sản của mình…

Việc có quyết định mở thủ tục phá sản cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của doanh nghiệp. Chắc chắn, đây là điều mà các doanh nghiệp không bao giờ muốn.

Các bên nên làm gì?

Từ những phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng, cần có cái nhìn mang tính xây dựng và cổ vũ đối với Nghị định 08, chứ không nhất thiết cho rằng, đây là một giải pháp hiệu quả có tính lâu dài và ổn định.

Như nhiều kiến nghị đã nêu ra, Nhà nước cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý của các dự án của doanh nghiệp bất động sản. Cơ quan quản lý cần mạnh dạn, tự tin và trách nhiệm trong việc này, nhất là với các dự án nằm trong khu vực đã có quy hoạch 1/2.000 hoặc 1/500 khi không có vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch tổng thể.

Cơ quan, doanh nghiệp hay cá nhân sai phạm vẫn cần bị xử lý, nhưng là xử lý riêng và tách rời khỏi dự án, tạo thuận lợi cho dự án được triển khai và hoàn thành.

Các doanh nghiệp bất động sản mất khả năng thanh toán trái phiếu cần chân thành và cầu thị trong việc đàm phán với trái chủ về hoãn, giãn nợ cũng như trả nợ bằng tài sản. Các trái chủ cũng cần có thái độ như vậy với sự tự tin về quyền của mình.

Có như vậy, các bên mới có thể cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn hiện tại vì lợi ích của mỗi bên và cả nền kinh tế - xã hội.

(Bài viết này thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không phải là quan điểm của Công ty Luật Lexcomm Vietnam LLC)
Tin liên quan
Tin khác