CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group, mã HAG - HoSE) vừa có văn bản giải trình bổ sung các vấn đề trong BCTC bán niên 2021 đã soát xét, trong đó có giao dịch thanh lý CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG - HoSE).
Thứ nhất, HAGL Group cho biết, trong năm 2020, do các ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 tới nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và đối tác nói riêng, Ban Tổng Giám đốc đã thực hiện ra soát lại khả năng thu hồi của các khoản phải thu tồn đọng lâu ngay từ các năm tài chính trước đây.
Theo đó, Ban Tổng Giám đốc nhận thấy việc ước tính khả năng thu hồi của các khoản nợ phải thu tồn đọng lâu ngày tại thời điểm lập BCTC các năm trước chưa phản ảnh đầy đủ rủi ro tồn thất của các khoản phải thu này. Trên cơ sở đó, phía HAGL Group đã thực hiện điều chỉnh lại dữ liệu tương ứng trong liên quan đến dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi lớn trong quá khứ dựa trên cơ sở như sau:
Nguồn: Văn bản giải trình của HAGL Group gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE. |
Thứ hai, HAGL Group cũng đưa ra giải trình về giao dịch thanh lý HNG dẫn đến tăng lỗ lũy kế 1.013 tỷ đồng. Vào hồi tháng 1/2021, ĐHĐCĐ bất thường của HNG thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho Thagrico để hoán đổi các khoản nợ phải trả, nhằm mục đích bổ sung như cầu vốn hoạt động của HNG. Ngoài ra, ông Trần Bá Dương đã thay ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) giữ chức Chủ tịch HĐQT HNG.
Căn cứ vào các quy định hiện hành và theo mục e điểm 3 điều 50 của Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và tình bày BCTC hợp nhất, Ban Tổng Giám đốc HAGL Group đã tiến hành rà soát các nghiệp vụ thoái vốn để kết chuyển sang báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất tại thời điểm mất quyền kiểm soát. Chính vì lý do đó đã dẫn đến lỗ lũy kế của HAGL Group tăng thêm 1.013 tỷ đồng theo như BCTC soát xét đã công bố.
Trước đó, HAGL Group cũng đã công bố báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, với khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2021 là 7.372 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày 30/6/2021, công ty cũng đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay. Do đó, đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
HoSE cũng tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu HAG và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo sau khi có BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Công ty.
Giải trình các ý kiến ngoại trừ của kiểm toán, HAGL Group cho biết tại ngày lập BCTC 6 tháng đầu năm 2021, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
HAGL Group cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, ban Tổng Giám đốc Tập đoàn tiến hành lập BCTC giữa niên độ trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Ngoài ra, HAGL Group cũng đã thông qua việc lấy ý kiến cổ đông về việc sử dụng thặng dư vốn cổ phần để giảm lỗ luỹ kế với tổng giá trị gần 3.264 tỷ đồng.