Thời sự
Hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản có thể đạt hơn 30 giao dịch trong năm 2019
Hồng Sơn - 06/08/2019 17:00
Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Recof (Nhật Bản) đã chia sẻ thông tin này tại “Diễn đàn M&A Việt Nam 2019: Thay đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư và Công ty AVM tổ chức ngày 6/8, tại TP.HCM.

Theo ông Tamotsu Majima, trong 4 năm gần đây, số lượng giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đạt mức kỷ lục. Cụ thể, cập nhật đến tháng 7/2019, đã có khoảng 21 giao dịch. Dự báo, đến cuối năm nay, có thể đạt con số khoảng hơn 30 giao dịch M&A của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

“Các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và dịch vụ”, ông Tamotsu Majima thông tin.

Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao của Recof. Ảnh: Lê Toàn.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút ngày càng nhiều công ty Nhật Bản trong lĩnh vực tiêu dùng, hàng hóa, dịch vụ kinh doanh và nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Về hoạt động M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, có nhiều thỏa thuận đã được thảo luận và đàm phán hơn so với các thỏa thuận đã hoàn thành và được công bố...

Một số giao dịch đáng chú ý bao gồm: Công ty Cổ phần Chế tạo thuốc Taisho mua cổ phần của Dược Hậu Giang (mã: DHG) hay một số giao dịch đang thực hiện như Mitsui Corp mua cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Sumitomo Corp dự kiến mua cổ phần Gemadept…

Theo ông Tamotsu Majima, 2 nền kinh tế Nhật Bản và Việt Nam ngày càng gần nhau hơn. Văn hóa cũng vậy. Người dân Nhật Bản đi du lịch tại Việt Nam và ngược lại ngày càng tăng. Nhân lực Việt Nam tham gia các hoạt động kinh tế của Nhật Bản ngày càng nhiều. Các công ty Nhật ngày càng thuê nhiều người Việt tham gia vào chuỗi sản xuất. Đó là những yếu tố thuận lợi, là môi trường tốt cho các hoạt động M&A.

Cũng theo vị này, hiện đang có thêm nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động M&A của doanh nghiệp Nhật Bản như cuộc thương chiến Mỹ - Trung khiến sự địch chuyển đầu tư vào Việt Nam tăng lên. Hay, Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều hơn các Hiệp định thương mại tự do nên cũng hấp dẫn các doanh nghiệp đến đầu tư.

Do đó, quy mô của các giao dịch M&A tới đây cũng sẽ rất phong phú. Có thể là những giao dịch từ các tập đoàn lớn và có thể cũng đến từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lĩnh vực có thể là bất động sản và cũng có thể từ các lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ... Tóm lại, xu hướng giao dịch M&A tới đây là khá lớn.

Các diễn giả tham gia phiên 1 của Diễn đàn.

Tuy nhiên, đại diện của Recof cũng nhìn nhận, hoạt động M&A vẫn đối diện với một số thách thức, khó khăn.

“Doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đòi hỏi cao về quản trị và sự tuân thủ. Do đó, họ sẽ ưu tiên các hoạt động M&A đối với các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này”, ông Tamotsu Majima nói và cho biết, bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhật cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các nước đến từ châu Á, trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang ngày càng hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam.

Dự báo về hoạt động M&A của Nhật Bản vào Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2022, đại diện của Recof nhìn nhận, nền kinh tế trong nước Nhật Bản có thể sẽ chậm lại sau Thế vận hội Olympic năm 2020 và các công ty Nhật Bản tìm kiếm tăng trưởng ít sự lựa chọn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Về các lĩnh vực sẽ được quan tâm, các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, công nghiệp, y tế, bất động sản, xây dựng, dịch vụ hậu cần và tài chính… tại Việt Nam.

- Trong nửa đầu năm 2019, số lượng giao dịch M&A tại Nhật Bản ở mức 1.513 (tăng 13,0% so với cùng kỳ) trong khi số lượng giao dịch ra nước ngoài đạt 434 (tăng 27,3%) trong cùng kỳ.
- Tại khu vực ASEAN, ngoại trừ Singapore, Việt Nam đang giữ vị trí là điểm đầu tư hàng đầu từ Nhật Bản trong khối ASEAN, tiếp theo là Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Nguồn: RECOF
Tin liên quan
Tin khác