Đầu tư
Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A): Âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt
Anh Hoa - 15/10/2021 08:22
Trong thời đại Covid-19, thay vì chững lại, các nhà đầu tư hành động âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt để đối phó với những biến động khó lường vì đại dịch.
Trong tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam thời gian qua, giá trị các thương vụ M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã tăng mạnh. Ảnh: Lê Toàn. Đồ họa: Đan Nguyễn

Giỏ hàng đa dạng

Bà Tưởng Thị Thu Hạnh, Giám đốc điều hành Việt Nam và Bắc Á, Công ty Awr Lloyd đem đến Hội thảo online M&A Việt Nam - Hàn Quốc danh mục 16 công ty mà Awr Lloyd đang đại diện bên bán chào hàng nhà đầu tư, cổ đông chiến lược, đối tác nước ngoài.

Các công ty này thuộc lĩnh vực giáo dục, đồ gỗ nội thất, bánh kẹo, năng lượng và năng lượng tái tạo, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, hạ tầng, logistics, bao bì, nước sạch… Những cái tên đáng chú ý như Cookie, Toys, Sping, Wind, Shore, Soleil, Waterfall, Unicorns, Speed, Vietpharma, Mekong Pharma…

Theo bà Hạnh, đại dịch Covid-19 là động lực cho ngành dược và chăm sóc sức khỏe bộc lộ rõ tiềm năng. Đã có một số thương vụ M&A diễn ra thời gian qua giữa các công ty dược nhằm cộng hưởng giá trị.

Việt Nam hiện có khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Trong đó, hầu hết các công ty này đã tìm được cổ đông chiến lược trong và ngoài nước, chiếm lĩnh thị phần chi phối.

Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngành này tiếp tục tăng trưởng, đạt 7,7 tỷ USD trong năm nay, chiếm 1,75% tổng GDP Việt Nam, được xếp vào quốc gia thị trường dược mới nổi.

Đáng chú ý, các công ty dược lớn nhất tại Việt Nam đã được mua bởi các cổ đông lớn nước ngoài. Tuy nhiên, còn nhiều công ty nhỏ khác đang tìm đối tác, nhà đầu tư có thế mạnh tài chính, công nghệ, văn hóa gần gũi với Việt Nam.

Điển hình như Công ty Vietpharma, có quy mô sản xuất hơn 200 loại thuốc chống viêm, kháng viêm, vitamin, giảm đau, giảm sốt và đang muốn phát triển dòng thuốc chống ung thư có giá trị cao, hướng đến xuất khẩu.

Bất chấp đại dịch, doanh số năm nay của Vietpharma vẫn tốt, dự kiến đạt 35-40 triệu USD. Công ty còn có 2.000 m2 đất có thể xây dựng nhà máy mới. Vietpharma muốn tìm nhà đầu tư chiến lược, giúp Công ty tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Trong khi đó, Công ty Mekong Pharma cũng là một trong những tên tuổi lâu đời trong ngành dược tại Việt Nam. Hiện công ty này có 3 nhà máy tại miền Nam, với 10 chi nhánh và 57 đại lý chính, 22.000 cơ sở phân phối bán lẻ trên cả nước.

Mekong Pharma đang có tham vọng xây dựng nhà máy sản xuất thuốc chống ung thư. Do đó, Công ty muốn tìm kiếm đối tác chiến lược để có thể bứt phá với dòng sản phẩm mới này, nhằm cạnh tranh xuất khẩu.

So với các nhà đầu tư Mỹ hay EU, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã và đang đầu tư nhiều vào thị trường Việt Nam, do vị trí địa lý và một số tương đồng về văn hóa. Các nhà đầu tư này quan tâm nhiều đến lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản xuất linh kiện, phụ kiện, dược phẩm, vật liệu xây dựng, logistics.

Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc thể hiện quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong mảng logistics, kết cấu hạ tầng và kinh doanh thân thiện với môi trường. Họ mong muốn có thể hợp tác với đối tác ở Việt Nam để phát triển các dự án có lợi cho cả đôi bên và phát huy được mạng lưới, bề dày kinh nghiệm của họ. Còn các đối tác châu Âu và Nhật Bản thì chú trọng vào năng lượng tái tạo.

Do hậu quả của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, nhưng về lâu dài với tầm nhìn chiến lược, Việt Nam vẫn được nhà đầu tư coi là một điểm đến của dòng vốn M&A nhiều triển vọng.

Giai đoạn 2019-2020, các ngành, lĩnh vực của Việt Nam thu hút lượng lớn vốn đầu tư thông qua M&A gồm: bất động sản, tài chính - ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ. Ngoài ra, có một số thương vụ đáng chú ý ở các mảng logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế, xây dựng.

Hiện nhóm doanh nghiệp gia đình đang có những tín hiệu tích cực trên thị trường M&A tại Việt Nam, khi họ tuổi cao hoặc không có người kế nghiệp, hoặc trường vốn để gánh vác tiếp công ty…

Sức nặng từ các tập đoàn tư nhân Việt Nam

Trong thập kỷ qua, thị trường M&A Việt Nam đã chuyển mình với tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Các thống kê về thị trường M&A tại Việt Nam cho thấy, nhà đầu tư châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Đây cũng là động lực đóng góp vào sự hồi phục của hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Trong tổng giá trị M&A tại Việt Nam, tỷ trọng giá trị thương vụ của các doanh nghiệp trong nước đã tăng thêm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam đã nắm thế chủ động hơn. Giá trị các thương vụ M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch M&A được thực hiện trong thời gian qua.

Trong năm 2020, dù đại dịch hoành hành, nhưng các tên tuổi này đã tạo ra một số thương vụ bom tấn. Nhiều giao dịch thuộc về khối doanh nghiệp tư nhân lớn và các công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Chẳng hạn, Quỹ Đầu tư tư nhân (PE) KKR đã đầu tư 650 triệu USD mua 6% cổ phần tại Vinhomes, công ty con của Vingroup trong lĩnh vực bất động sản.

Một thương vụ quan trọng khác là việc Masan Group mua lại Vm Commerce và VinEco của Vingroup. Ngoài ra, còn có các thương vụ liên quan tới các tập đoàn lớn như: Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk...

Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị kỹ cho các thương vụ M&A, họ đã thuê đội ngũ nhân sự bài bản. Điều này chứng minh, họ không chỉ đi tìm kiếm nguồn vốn, mà đã ở thế chủ động tạo ra giá trị lớn, ở thế được quyền lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Dĩ nhiên, tiềm năng lớn luôn đi cùng sự hoàn thiện về hành lang pháp lý. Ông Phan Đức Hiếu, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có 3 đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến mọi mặt của hoạt động M&A là Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Việc thay đổi chính sách có tác động tích cực đến hoạt động M&A và bảo vệ người mua.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia rất ấn tượng và lạc quan về các giao dịch M&A theo hình thức mới là sở hữu trực tiếp, gián tiếp, hoặc vốn chủ sở hữu. Theo ông, có một sự thay đổi rõ ràng so với thỏa thuận M&A. Tuy nhiên, một trở ngại lớn cản trở việc chốt các thương vụ là vấn đề định giá. Các doanh nghiệp Việt thường muốn bán được giá rất cao, ngược lại, các nhà đầu tư luôn muốn sát với giá thị trường.

Tin liên quan
Tin khác