Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại các Văn bản: số 2172/UBND-KTTH ngày 04/07/2024 và số 4129/UBND-KTTH ngày 09/12/2024, đồng thời tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể.
Cục Thuế thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, và hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến hóa đơn điện tử. Việc này nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích, trách nhiệm và hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách, bán lẻ thuốc tân dược, trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí, và bán lẻ xăng dầu phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Đến tháng 3/2025, 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phải triển khai giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử. Cục Thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời công khai thông tin vi phạm theo quy định.
UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để quản lý giao dịch, đảm bảo minh bạch trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. |
UBND Thành phố yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Thành phố chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là việc lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Phối hợp với cơ quan thuế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh xăng dầu áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thuế và các đơn vị liên quan xem xét, xử lý/kiến nghị xử lý các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu không chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ và quy định của pháp luật.
Nghiên cứu, rà soát, phối hợp với cơ quan thuế quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để quản lý giao dịch, đảm bảo minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Công an Thành phố Hà Nội cũng tham gia phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời phối hợp chia sẻ dữ liệu dân cư nhằm hỗ trợ quản lý thuế hiệu quả hơn.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tuyên truyền về lợi ích của hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh và quyền lợi của người mua hàng trong việc sử dụng hóa đơn, hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn…
Theo ông Vũ Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, từ những kết quả tích cực của Đề án 06 và Chỉ thị 18 của Chính phủ, Cục Thuế TP. Hà Nội đã đồng bộ và khớp nối hơn 7,7 triệu mã số thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là kho dữ liệu được đánh giá là “đúng, đủ, sạch, sống,” tạo tiền đề vững chắc để triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong quản lý thuế trên địa bàn.
Cục Thuế TP. Hà Nội đã thực hiện số hóa thông tin, liên thông dữ liệu từ nhiều nguồn để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời thiết lập một trang web riêng phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Cơ quan này hiện sở hữu cơ sở dữ liệu hoàn thiện, định danh và định vị chính xác 626.768 gian hàng, tương ứng với 437.210 mã số thuế của các chủ sở hữu và người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.
Cục Thuế cũng đã lập danh bạ và sổ bộ quản lý thuế cho 82.930 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, với thông tin chi tiết bao gồm tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, và giá trị bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
“Dựa trên thông tin đầy đủ từ cơ sở dữ liệu này, Cục Thuế TP. Hà Nội đã phối hợp với lực lượng công an địa phương để xác minh và phát hiện hơn 2.000 cá nhân kinh doanh trực tuyến có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế”, ông Cường cho hay.