Lần đầu đến Trường Sa
Tháng 5/2012, nhận “lệnh triệu tập” của Bộ Tư lệnh Hải quân đi Trường Sa, tôi vội vàng chuẩn bị hành trang cho chuyến đi mà mình đã mong chờ từ lâu. Hỏi thăm anh em bạn bè từng đi Trường Sa mãi tôi mới lựa chọn được các món “không đụng hàng” của riêng mình là sách, chanh ớt và thuốc lá làm quà tặng anh em chiến sỹ ngoài đảo.
Cháu nào cũng ngồi mân mê, đọc kỹ tấm Giấy chứng nhận học bổng Swing for the Kids. |
Về phía Cơ quan Báo Đầu tư, Ban Biên tập quyết định tặng học bổng Swing for the Kids cho các cháu học sinh ở Trường Sa. Nhưng lúc đó tôi chưa biết hành trình hướng đi của đoàn theo nhánh nào và ở Trường Sa cũng chỉ có 2 đảo có dân sinh sống và có các em học sinh là Trường Sa Lớn và Song Tử Tây. Mặt khác, chúng tôi cũng không có danh sách, tên, lớp các em học sinh.
Thế nên, trong hành trang ra Trường Sa của tôi lúc đó có một chồng Giấy chứng nhận học bổng Swing for the Kids được ký tên, đóng dấu đỏ nhưng để trống người nhận. Sau một hải trình lênh đênh ghé thăm và tác nghiệp ở các đảo, cuối cùng tôi cũng đến được Trường Sa Lớn.
Cô Nhung kê chiếc nghế nhựa, nắn nót viết tên từng em lên Giấy chứng nhận học bổng Swing for the Kids. |
Tàu cập bến. Trong đoàn người ra đón đoàn có lóc nhóc 6 - 7 em bé mặc quần áo hải quân nhí trông rất đáng yêu. Đó là học sinh lớp học đặc biệt, duy nhất trên đảo Trường Sa Lớn.
Lớp học “5 trong 1” khang trang, sạch đẹp, đầy đủ dụng cụ núp sau những tán bàng vuông râm mát. Gọi là lớp “5 trong 1” bởi vì năm học 2011 - 2012 có 5 lớp: 1, 2, 3 và 5, và 1 cháu học lớp mẫu giáo ngồi riêng 1 bàn, tổng cộng chỉ có 8 học sinh (1 cháu mới học hết lớp 5 nên vừa chuyển vào đất liền nhập học nên chỉ còn 7 học sinh), do cô Bùi Thị Nhung làm Chủ nhiệm dạy tất cả các môn.
Lớp học có 4 cái bảng đen… quay 4 hướng. Bàn, ghế cũng quay theo hướng bảng còn các em học sinh thì quay lưng vào nhau. Mỗi giờ lên lớp, cô giáo Nhung cùng lúc dạy cho 5 “lớp”. Các em học trò năng động và hiếu học, thi thoảng cứ quay ra hỏi nên cô khá vất vả. Các em đều rất ngoan và thông minh nhưng khá hiếu động.
Giờ ra chơi, tôi gặp cô Nhung trao đổi việc trao học bổng động viên các cháu và nhờ cô Nhung viết tên các cháu vào Giấy chứng nhận. Bên hành lang lớp học, cô Nhung kê chiếc nghế nhựa, nắn nót viết tên từng em lên Giấy chứng nhận học bổng Swing for the Kids. Vây quanh cô là các cháu học sinh với ánh mắt thích thú và tò mò vì từ trước đến giờ “chưa ai tặng các em tấm giấy đẹp đến thế”, như lời cháu Phạm Thị Trúc Nữ (lớp 1) thỏ thẻ tâm sự.
Nhận quà xong, cháu nào cũng ngồi mân mê, đọc kỹ tấm Giấy chứng nhận học bổng Swing for the Kids. Tôi hiểu rằng, ở Trường Sa, các cháu không thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng suất học bổng nhỏ nhoi này, tuy giá trị không lớn, song lại là sự động viên tinh thần để các cháu biết rằng, các cháu luôn được nhớ đến, được quan tâm yêu mến như mọi học sinh trên đất liền mà Quỹ học bổng Swing for the Kids đã trao học bổng.
Giây phút đó là một khoảnh khắc khó quên của tôi. Đã từng đi khắp nơi trên cả nước, dự nhiều buổi lễ trao học bổng Swing for the Kids, nhưng đó là hình ảnh khắc sâu vào trí nhớ của chúng tôi.
Quê em ở Trường Sa
Trong chuyến trở lại Trường Sa 2016 lần này, Đoàn công tác số 14 đón nhận một sự kiện khá đặc biệt. Đó là việc huyện đảo vừa chào đón công dân nhí đầu tiên chào đời trên đảo Sinh Tồn. Cậu bé tên là Nguyễn Gia Khánh mà theo đồng chí Đỗ Đức Huy, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sinh Tồn giới thiệu, đây là “công dân Trường Sa thuần chủng”. Năm 2013, bố mẹ Khánh là chị Huỳnh Thị Kim Loan và anh Nguyễn Văn Hạnh ra lập nghiệp ở Sinh Tồn, con gái đầu lòng là bé Nguyễn Bình Minh Thủy khi đó mới gần 3 tuổi. Nguyễn Gia Khánh có một vinh dự đặc biệt với tấm giấy khai sinh có dòng chữ “Nguyên quán: Trường Sa”. Bố bé Nguyễn Gia Khánh tâm sự, cậu bé là món quà đặc biệt mà Trường Sa mang đến cho vợ chồng anh. Đúng như tên gọi, đảo Sinh Tồn giờ đây thực sự là nhà, là quê hương của anh và các hộ dân. Sau mỗi chuyến đi biển, các anh lại cùng cán bộ, chiến sĩ làm mọi việc cần thiết để gìn giữ sự bình yên của đảo, của biển trời quê hương.
Học bổng Swing for the Kids đến với các em nhỏ đang sinh sống, học tập trên huyện đảo Trường Sa. |
Như một duyên may, ngay sau khi Khánh chào đời, Sinh Tồn còn đón nhận một “công dân đặc biệt” khác mà sau này anh đã nhận nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Đó là ngư dân Anthongradulet sinh năm 1982, quốc tịch Philippines. Ngày 8/2/2016, đúng mùng 1 Tết Nguyên đán Bính Thân, Anthongradulet được cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn cứu sống sau nhiều ngày trôi dạt trên biển do sóng lớn làm lật xuồng câu mực. Sau thời gian được chăm sóc sức khỏe và liên hệ về quê nhà, sáng 18/2/2016, Anthongradulet đã được Ban chỉ huy Đảo bàn giao cho đại diện Hải quân Hoàng gia Philippines đưa về đoàn tụ với gia đình tại huyện Nasungpo, tỉnh Batangas, Philippines.
Nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng trong quần đảo Trường Sa, Sinh Tồn đang vươn lên để trở thành điểm đến bình yên cho bà con ngư dân Việt Nam và các nước lân cận những lúc phong ba bão tố. Tính đến đầu năm 2016, âu thuyền của đảo Sinh Tồn đã có thể tiếp nhận hàng trăm tàu thuyền vào tránh trú bão. Xã cũng đã có lớp tiểu học theo đúng chương trình giáo dục phổ cập của cả nước. Tham gia đoàn công tác thăm Trường Sa lần này, đại diện Báo Đầu tư cũng đã có dịp trao 40 suất học bổng Giải golf từ thiện Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids đến toàn bộ các em nhỏ đang sinh sống, học tập trên huyện đảo Trường Sa, sẻ chia phần nào khó khăn, vất vả của những người đang gắn bó cuộc đời và tương lai của mình nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Nguyễn Gia Khánh - công dân nhí đầu tiên chào đời trên đảo Sinh Tồn vui đùa với Hoa hậu Việt Nam năm 2004 Nguyễn Thị Huyền |
Trong sân trường, tiếng cười, tiếng nói, những trò chơi con trẻ dưới tán bàng xanh làm dịu đi cái nhức nhối của chang chang cát trắng san hô, của lớp lớp bê tông bao bọc quanh đảo, của hơi biển mặn chát phả lên mặt người. Chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên khi nghe lũ trẻ chơi đùa hát vang bài đồng dao về Trường Sa: “Nu na nu nống/Đánh trống phất cờ/Biển cả xa mờ/Có 2 quần đảo/Hoàng Sa - Trường Sa/Tên gọi thiết tha/Trong lòng dân Việt/Bao nhiêu đời qua/Thuyền ai đi qua/Thuyền ai đi lại/Nước Việt gọi mãi/Hoàng Sa - Trường Sa…