Đặc sản được giới thiệu kèm địa chỉ xuất xứ đã tạo nên “hiệu ứng kép” cho ngành du lịch Kiên Giang. |
Hấp dẫn sản phẩm du lịch biển đảo
Trong gian hàng của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang giới thiệu đến du khách và nhiều đối tác khách hàng là những sản phẩm mỹ nghệ như tranh vỏ tràm - vùng U Minh Thượng, túi sách, ống hút, vật dụng làm bằng cây lao sậy, trúc, lát, lục bình...
Đặc biệt là sản phẩm du lịch biển đảo gần bờ được 2 công ty lữ hành ở Kiên Giang (Công TNHH MTV Du lịch Việt Cam Thái và Công ty TNHH MTV Du lịch Thiên Việt) giới thiệu được nhiều khách hàng quan tâm đặc biệt về các tuor biền đảo giá rẻ, với các điểm đến mới hấp dẫn như quần đảo Nam Du, hòn Lại Sơn... ở huyện Kiên Hải; quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc ở Hà Tiên - Kiên Lương.
Theo đó những tour - tuyến biển đảo trải nghiệm, khám phá biển đảo, tắm biển và ẩm thực hải sản tươi sống được nhiều khách hàng tìm hiểu như tour Rạch Giá - Nam Du - Lại Sơn, (3 ngày 2 đêm) chỉ có giá khoảng 1,5 triệu đồng/người. Tương tự, các tour từ Hà Tiên - Kiên Lương ra các đảo gần bờ như quần đảo Hải Tặc hay quần đảo Bà Lụa cũng có giá cả bình dân cho mọi đối tượng. Hiện nay, các tour khám phá biển đảo này thu hút đa số là khách trẻ tuổi thích khám phá thiên nhiên.
Tuy giá cả bình dân, nhưng chất lượng sản phẩm du lịch ở những nơi này đều đạt những nhu cầu cơ bản của du khách như hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homstay đều đạt tiêu chuẩn, sạch sẽ, tiện nghi; di chuyển tham quan bằng tàu cao tốc chất lượng cao, đường bộ quanh các đảo đều thông suốt, nhiều đảo có lưới điện quốc gia. Đặc biệt là các bãi tắm sạch, dài đẹp, hoang sơ... không thua gì đảo Phú Quốc.
Điều hấp dẫn ở những điểm đến biển đảo Kiên Giang là sự phong phú các loài hải sản như cua, mực, ốc, cá tươi sống, đặc biệt là có giá cả cực rẻ so với nhiều nơi khác. Bởi nguồn hải sản đánh bắt của ngư dân địa phương những năm gần đây trên các đảo du lịch này không còn vận chuyển vào đất liền để bán, mà được thực hiện "xuất khẩu tại chỗ" cho du khách thưởng thức tươi sống tại chỗ mà thôi. Được biết, các bè cá nuôi trên biển ở Nam Du vào mùa cao điểm đã không đủ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Đặc sản địa phương của Kiên Giang được giới thiệu tại Hội chợ được du khách đặc biệt quan tâm |
Hoàn thiện hạ tầng
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết thêm, để tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng các quần đảo gần bờ này, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch 3 vùng trọng điểm du lịch U Minh Thượng, Kiên Hải - Rạch Giá - Hòn Đất, Kiên Lương - Hà Tiên. Từ đó phân bổ 369 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công (giai đoạn 2016 - 2020) vào các dự án du lịch. Ngoài ra, còn đầu tư nhiều dự án hạ tầng khác trong tỉnh nhằm phục vụ ngành du lịch với tổng vốn đầu tư 5.675 tỷ đồng. Qua đó góp phần làm tăng trưởng ngành du lịch chung cho cả tỉnh, riêng doanh thu du lịch của tỉnh trong năm 2019 dự kiến tăng trưởng trên 34%.
"Các điểm du lịch biển đảo mới nổi lên gần đây là nhờ một số dự án đi vào hoạt động hiệu quả đã kích hoạt môi trường du lịch như nâng cấp sân bay Rạch Giá; Cảng hành khách Rạch Giá; các dự án kéo điện từ đất liền ra Hòn Tre, hòn Lại Sơn, hòn Nghệ, quần đảo Hải Tặc; các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở các khu du lịch Mũi Nai, Hòn Trẹm, Chùa Hang, đường vào hang MoSo, hang Tiền, đường quanh núi Hòn Me - Hòn Đất... Cùng với đó, các khu di tích lịch sử, các khu văn hóa, thắng cảnh trong tỉnh như Đình Nguyễn Trung Trực, Di tích Ba Hòn, Di tích núi Bình San... cũng đã và đang được đầu tư tu bổ tôn tạo nâng cấp", bà Thảo cho biết.
Để gia tăng kết nối du lịch vùng, nhất là tỉnh Bạc Liêu với Kiên Giang, vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải đã thống nhất đưa vào quy hoạch đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Đây là dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cửa khẩu Xà Xía (TP. Hà Tiên, Kiên Giang) với Quốc lộ 1A, tuyến đường N1 và liên kết với dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (tuyến N2, đường Hồ Chí Minh tiền thân của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây sau này).
Quy mô giai đoạn I tuyến đường này dài 225 km, rộng 17 m cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc 80 km/h, có giải phân cách ở giữa và bố trí làn dừng xe khẩn cấp ngắt quãng. Tổng mức đầu tư giai đoạn I dự án là 33.255 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ, các nguồn vốn hợp pháp và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo kế hoạch, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào quý I/2021, khởi công quý II/2024 và năm 2026 đưa vào khai thác.
Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Giá sẽ hoàn thành vào năm 2021 sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch không chỉ cho Kiên Giang và các tỉnh lân cận, mà cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được liên kết chặt chẽ và bền vững.
Phát huy lợi thế biển đảo
Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng tài nguyên phong phú đa dạng: có đồng bằng ruộng lúa và cây trái, có rừng núi, biển và hải đảo... với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử tạo ra lợi thế cho Kiên Giang phát triển kinh tế và đặc biệt là du lịch. Ngoài đảo lớn Phú Quốc, Kiên Giang còn có hơn 140 hòn đảo vừa và nhỏ gần bờ với hầu hết đều có nước ngọt và rừng nguyên sinh, nằm ven theo bờ biển chạy dài trên 200 km trong vịnh Thái Lan từ bán đảo Cà Mau tới giáp Campuchia.
Theo bà Nguyễn Duy Linh Thảo, những điểm du lịch mới nổi đang giới thiệu tại hội chợ lần này đều nằm trong 3 quần đảo được tỉnh Kiên Giang định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm là quần đảo Nam Du và Lại Sơn (huyện Kiên Hải), quần đảo Bà Lụa (huyện Kiên Lương) và quần đảo Hải Tặc (TP. Hà Tiên).
Những năm qua bằng các nguồn lực đầu tư của trung ương, địa phương và các nhà đầu tư đã thúc đẩy phát triển mạnh mẻ kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ. Từ đó góp phần tăng trưởng mạnh mẽ ngành du lịch của tỉnh với mỗi năm trên 8 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế chiếm 20%. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, ngành du lịch Kiên Giang có trên 26 triệu lượt du khách, trong đó có 1,8 triệu du khách quốc tế và doanh thu trực tiếp trên 20.900 tỷ đồng. Đặc biệt, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch và được quan tâm đầu tư vào 3 vùng du lịch trọng điểm: U Minh Thượng, Kiên Hải - Rạch Giá - Hòn Đất, Kiên Lương - Hà Tiên, từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch, nhất là thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa qua.
"Nhờ định hướng cơ bản của 3 vùng du lịch trọng điểm trên, thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang đã tham mưu cho các ngành chức năng và UBND tỉnh Kiên Giang về việc xây dựng các chiến lược về thị trường, sản phẩm du lịch, quảng bá và xúc tiến thu hút đầu tư cũng như thu hút du khách đến với Kiên Giang ngày càng nhiều hơn. Hội chợ lần này ở Bạc Liêu cũng là cơ hội để hiểu biết thêm thị trường trong khu vực, xem họ cần và thích gì ở Kiên Giang", bà Thảo nói.