Thi công xây dựng cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: A.M |
Chặn nhượng thầu trái phép
Hai tuần sau khi được Văn phòng Chính phủ chuyển Báo cáo số 1889/BCA-CSKT của Bộ Công an gửi Thủ tướng Chính phủ về một số tình hình liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có những động thái “rào giậu” rất quyết liệt để chặn những vi phạm tương tự có thể tái diễn trong thời gian tới.
Vào giữa tuần này, Bộ GTVT đã có Công văn số 214/BGTVT-CQLXD gửi Thanh tra Bộ GTVT, Cục Quản lý đầu tư, 7 ban quản lý dự án (PMU) và 3 doanh nghiệp dự án về việc tổ chức triển khai các đề xuất của Bộ Công an liên quan đến Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, các PMU 2, 6, 7, 85, Mỹ Thuận, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh - những đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư 19 dự án thành phần sử dụng 100% vốn đầu tư công và 3 doanh nghiệp dự án của 3 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP (Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) được yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, thực hiện nghiêm theo chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư đối với các đề xuất của Bộ Công an.
Bộ GTVT giao Thanh tra Bộ GTVT chủ trì liên hệ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an để được cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng thầu tại Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ Công an thu thập.
Thanh tra Bộ GTVT cũng sẽ phải tham mưu cho Bộ GTVT chỉ đạo xử lý các nhà thầu vi phạm và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc chuyển nhượng thầu trái phép đối với các khối lượng công việc còn lại của các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
“Cục Quản lý đầu tư xây dựng có trách nhiệm tham mưu cho Bộ GTVT có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát tổ chức thi công các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Thắng, Giám đốc PMU2 - chủ đầu tư Dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, đơn vị đã nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT và sẽ tổ chức quán triệt tới từng cán bộ điều hành công trình.
“PMU2 sẽ khẩn trương rà soát lại hoạt động của tất cả các gói thầu thuộc 2 dự án, đặc biệt là công tác lựa chọn nhà thầu và cung cấp vật liệu xây dựng thông thường đủ tiêu chuẩn để sớm có báo cáo Bộ GTVT”, ông Thăng cho biết.
Trước đó, ngày 18/11/2022, qua công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ Công an đã có Báo cáo số 1889/BCA-CSKT gửi Thủ tướng Chính phủ về một số tình hình liên quan đến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trong Báo cáo, Bộ Công an cho biết, quá trình triển khai thực hiện Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế. Nếu lãnh đạo, cơ quan chức năng có thẩm quyền không có những biện pháp mạnh, giải pháp khoa học, hiệu quả, sát hợp với thực tiễn, thì Dự án vẫn sẽ hiện hữu những nguy cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ cũng như xảy ra vi phạm.
Bộ Công an dự báo, nhiều dự án trọng điểm ngành GTVT sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vật liệu như đất đắp, đá, cát...; giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị biến động nhanh, thất thường; năng lực về nhân sự, máy móc, thiết bị, tài chính của nhà thầu chưa được đánh giá trong điều kiện khó khăn về tín dụng và thi công đồng loạt nhiều gói thầu cao tốc Bắc - Nam và các công trình trọng điểm khác như sân bay Long Thành, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội…
Cảnh báo năng lực nhà thầu
Theo Bộ Công an, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là tình trạng căng thẳng trong cung ứng nguồn vật liệu thông thường đảm bảo chất lượng và hợp pháp.
Việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, đất) thi công Dự án do công tác khảo sát, quy hoạch, công tác quản lý, cấp phép khai thác của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương còn hạn chế, bất cập; cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý... chưa hợp lý, chồng chéo, chưa đáp ứng được với tình hình thực tiễn.
Tại thời điểm Bộ Công an gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, tại Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc Lộ 45, mỏ Thống Nhất có trữ lượng 4,8 triệu m3 hết hạn giấy phép khai thác; mỏ Sòng Vặn đã đủ thủ tục pháp lý để khai thác, nhưng chưa triển khai công tác giải phóng mặt bằng, chưa xây dựng đường vào mỏ. Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 6 mỏ trữ lượng khoảng 6 triệu m3 trong quy hoạch, nhưng chưa được cấp phép khai thác. Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có nhiều mỏ trong quy hoạch gần dự án, nhưng chưa được cấp phép khai thác... Những khó khăn trên dẫn đến một số nhà thầu đưa nguồn vật liệu khai thác trái phép vào công trình.
Tại Gói thầu XL3, Dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, có nhà thầu thi công đã mua 60.000 m3 đất đắp K95 tại mỏ Đồng Vàng (thuộc xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), do Tổng công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát khai thác trái phép để thi công dự án. Bộ Công an đã khởi tố vụ án, chuyển Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, trong 2 năm triển khai Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, giá nhiên, nguyên, vật liệu, vật tư, thiết bị tăng cao, biến động rất nhanh, tăng nhiều so với dự toán, gây khó khăn cho nhà đầu tư, nhà thầu, trong khi các cơ quan, chính quyền một số địa phương liên quan chưa điều chỉnh, kịp thời công bố giá và chỉ số giá xây dựng, thủ tục điều chỉnh giá, biến động giá vật liệu còn chậm, vướng mắc.
“Đây là các nguy cơ dẫn đến gia tăng hoạt động khai thác, tiêu thụ khoáng sản trái phép, không kiểm soát được nguyên vật liệu đầu vào khi các dự án bị sức ép về tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng công trình”, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá.
Theo phản ánh của Bộ Công an, công tác quản lý của chủ đầu tư, công tác giám sát thi công của tư vấn giám sát ở một số dự án không đảm bảo quy trình, không bố trí đủ số lượng, năng lực nhân sự hạn chế..., dẫn đến nhà thầu sử dụng nguồn vật liệu không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình; chưa đánh giá so sánh hồ sơ dự thầu với thực tế công trường, nên công tác quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Điều đáng lo ngại là, các PMU cho nhà thầu tạm ứng 30% giá trị hợp đồng, nhưng chưa có biện pháp quản lý hợp đồng, dòng tiền, dẫn đến việc nhiều nhà thầu sử dụng tiền tạm ứng cho các mục đích khác. Đến nay, do ảnh hưởng của việc siết tín dụng, thu hồi nợ của ngân hàng, nên nhà thầu không có dòng tiền để thực hiện mua vật tư thi công. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ.
Các dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022 như Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Dầu Giây - Phan Thiết, số tiền dư ứng còn lại rất lớn (2.280 tỷ đồng), nhưng các nhà thầu đều phản ánh khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, tại Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vẫn còn tình trạng một số nhà thầu có dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái phép, nhưng tư vấn giám sát và chủ đầu tư không biết, hoặc biết, nhưng làm ngơ.
Theo Bộ Công an, một số nhà đầu tư, nhà thầu khi dự thầu đưa ra hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu, nhưng do tham gia thực hiện nhiều dự án cùng một lúc, đến khi thi công phải dàn trải nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc... cho nhiều dự án thành phần, nên không đảm bảo năng lực thi công, dẫn đến phải thuê thầu phụ thực hiện dưới hình thức núp bóng tổ đội hoặc các nhà thầu không đáp ứng tiến độ bị chủ đầu tư điều chuyển khối lượng cho đơn vị khác trong liên danh hoặc bổ sung nhà thầu khác thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ, gây nguy cơ ảnh hưởng chất lượng công trình.
Đối với nội dung trên, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT thanh tra, kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm các nhà thầu chuyển nhượng thầu trái phép (Bộ Công an sẽ chuyển thông tin, tài liệu cho Bộ GTVT để chủ động xử lý, phòng ngừa); đồng thời rút kinh nghiệm, lựa chọn nhà thầu thực sự có năng lực về nhân sự, máy móc, thiết bị, tài chính để thực hiện các gói thầu.
Đối với Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT cần rà soát số lượng dự án nhà thầu đang triển khai, đối chiếu với năng lực thực tế.
“Nếu nhà thầu tham gia nhiều gói thầu, thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, thiết bị, tài chính giữa các gói thầu; xây dựng tiêu chí khoa học, lựa chọn nhà thầu thực sự có năng lực, tránh tình trạng một nhà thầu thực hiện nhiều gói thầu, nhưng không đủ nhân lực, thiết bị, tài chính..., dẫn đến thuê thầu phụ, tổ đội núp bóng”, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu, bao gồm các bước:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu (lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ yêu cầu và xác định nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu);
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu (phát hành hồ sơ yêu cầu, nhà thầu nộp hồ sơ đề xuất);
- Đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu;
- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo các PMU khi xây dựng hồ sơ yêu cầu cần hạn chế việc quá nhiều nhà thầu tham gia trong một gói thầu để đảm bảo hiệu quả tốt nhất và đảm bảo không quá 5 thành viên.