Kế hoạch Hành động Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gọi Kế hoạch Hành động Hà Nội là một kế hoạch có vai trò rất quan trọng nhằm hiện thực hóa Khung chiến lược hợp tác GMS từ nay đến năm 2022, khi phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng - Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê-kông mở rộng lần thứ 22 với tư cách Trưởng đoàn Việt Nam.
Kế hoạch Hành động Hà Nội kêu gọi mở rộng các hành lang kinh tế để tăng tính kết nối giữa các quốc gia, cũng như giữa vùng nông thôn và các trung tâm đô thị, nhằm bảo đảm những lợi ích của tăng trưởng được phân bổ đồng đều hơn.
Các bộ trưởng GMS đã thông qua một danh mục định hướng gồm 222 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật trị giá 64 tỷ USD. |
“Chính phủ Việt Nam cam kết ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến Chương trình Hợp tác kinh tế GMS. Hiện tại, chúng tôi đang chủ động huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế song phương và đa phương để thực hiện các dự án ưu tiên cao mà Việt Nam tham gia thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án ưu tiên của GMS vào các chương trình tài trợ của các nhà tài trợ nước ngoài. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước GMS, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển khác, kể cả khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu của Chương trình hợp tác kinh tế GMS đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Kế hoạch Hành động Hà Nội chính là định hướng khung kế hoạch hành động 5 năm tới, sau khi được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng GMS 22, sẽ được các nhà lãnh đạo các nước GMS xem xét và thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần 6, được tổ chức vào tháng 3/2018 cũng tại Việt Nam.
Danh mục dự án trị giá 64 tỷ USD
Các bộ trưởng GMS cũng thông qua Khung đầu tư GMS 2022 (RIF 2022), thông qua một danh mục định hướng gồm 222 dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật trị giá 64 tỷ USD. Toàn bộ danh mục này nhằm hỗ trợ Kế hoạch Hành động Hà Nội. Đây là danh mục để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển và khu vực kinh tế tư nhân nhằm giúp các nước GMS hoàn thành các chương trình dự án, ưu tiên quốc gia trong giai đoạn 2018-2022. Có thể thấy, các bộ trưởng đã hối thúc sự tham gia mạnh mẽ hơn của các đối tác phát triển và khu vực tư nhân. nhằm đáp ứng các nhu cầu tài trợ trong GMS.
6 quốc gia thuộc GMS gồm: Campuchia, Trung Quốc (cụ thể là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây), Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Chương trình hợp tác kinh tế GMS bắt đầu từ năm 1992, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), có mục tiêu là tăng cường các mối quan hệ kinh tế.
Trong khuôn khổ chương trình, cho đến nay, các dự án đầu tư trị giá hơn 19,1 tỷ USD đã được thực hiện.
Tại Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 22, các bộ trưởng đã kỷ niệm 25 năm hợp tác kinh tế, ghi nhận những thành tựu của một chương trình đã giúp tạo ra mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ dựa trên sự cởi mở, tin cậy lẫn nhau và cam kết chung.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, để thực hiện có kết quả các nội dung hợp tác GMS, nhiệm vụ trong thời gian tới là vô cùng nặng nề. “Các nước GMS cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để huy động nguồn lực từ các đối tác phát triển, kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực và niềm tin cho hợp tác GMS trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm, ông Stephen Groff, Phó chủ tịch ADB cho rằng, mặc dù ADB giúp tạo thuận lợi cho tiến trình này, song sáng kiến này được định hướng bởi chính các quốc gia, với sự tập trung cao vào hành động chung để giải quyết những thách thức chung. “Chương trình Hợp tác GSM được định hướng bởi 3 chữ C: kết nối (connectivity), cạnh tranh (competitiveness) và cộng đồng (community). Cách tiếp cận bao quát này trong phát triển khu vực đã mang lại những kết quả đáng kể”.
Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Chiến lược Giao thông GMS mới, nhằm xây dựng một hệ thống giao thông GMS liền mạch, hiệu quả, đáng tin cậy và bền vững. Mục tiêu này sẽ đạt được thông qua việc cải thiện các tuyến kết nối với Nam Á và những nơi khác ở Đông Nam Á, thúc đẩy giao thông xuyên biên giới, tăng cường kết nối giao thông liên phương thức và phát triển dịch vụ giao nhận hậu cần, đồng thời nâng cao an toàn giao thông đường bộ.
Chiến lược Du lịch GMS 2016-2025 cũng được thông qua để tạo điều kiện cho việc phát triển các điểm đến cạnh tranh hơn, cân bằng và bền vững. Các bộ trưởng đã hoan nghênh những tiến triển hướng tới việc chính thức thành lập Văn phòng Điều phối Du lịch Mê-kông như một tổ chức liên chính phủ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các bộ trưởng hoan nghênh việc Hội nghị các Bộ trưởng Nông nghiệp GMS lần thứ hai đã thông qua một chiến lược nhằm thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp an toàn và thân thiện với môi trường, cũng như một kế hoạch để tăng cường sự hội nhập vào chuỗi giá trị, với sự tham gia của các nông hộ nhỏ, phụ nữ nông thôn và các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp nhỏ và vừa.