Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Giàu, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt kinh tế-xã hội và kết quả đạt được là đáng ghi nhận.
“Bước đầu đã tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế, vượt qua thách thức, khó khăn và hạn chế được những tác động tiêu cực. Cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế và tạo sự đồng thuận xã hội”, ông Giàu nhận định.
Báo cáo giám sát Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO vừa được Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng nay ghi nhận, kết quả nổi bật từ khi gia nhập WTO đến nay là thu hút được nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số sản phẩm đứng hàng đầu thế giới.
Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch và được tái cơ cấu theo hướng tích cực; công nghiệp-xây dựng và dịch vụ đóng góp cao vào tăng trưởng. Năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực quản trị doanh nghiệp được nâng lên; đã hình thành một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân; thị trường tài chính ngày càng đa dạng; cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông được phát triển; cải cách hành chính được tăng cường…
Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã và đang rất thành công không chỉ ở những thị trường các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, mà đã khẳng định được vị thế “ông lớn” ở thị trường Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Mozambique… Ngoài FPT, các ngân hàng thương mại cổ phần mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cũng đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường khai thác và sản xuất dầu khí khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
“Khi đi ra “khơi xa”, tham gia vào các dự án ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải đấu thầu cạnh tranh sằng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài và kết quả là chúng ta đã cắm chân tại nhiều thị trường, nơi mà các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài mơ ước cũng không vào được. Đây chỉ là một trong những kết quả mà chúng ta gặt hái được khi gia nhập WTO và hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế thế giới”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng nhìn nhận.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng rất tự hào trước việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, FPT, PVN… đã và đang trưởng thành trong môi trường hội nhập vô cùng khốc liệt.
“Người Việt không chỉ làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài, mà các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã thuê người bản địa làm thuê cho chúng ta. Đầu tư ra nước ngoài, chúng ta không chỉ tìm kiếm lợi nhuận, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước khi mà doanh nghiệp Việt Nam giúp nước sở tại trong tạo công ăn việc làm, giải quyết an sinh xã hội, đầu tư vào những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, giúp bạn phát triển kinh tế - xã hội”, bà Ngân tự hào.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp thành danh kể trên chưa nhiều sau 8 năm gia nhập WTO. Còn cả nền kinh tế, theo nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội, ngoài một số kết quả đạt được đã bộc lộ khá nhiều “tử huyệt”.
Nguyên nhân tạo ra các “tử huyệt” được ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc chỉ ra là do “lỗi hệ thống”.
Tử huyệt của nền kinh tế, theo Ksor Phước chính là nền kinh tế vẫn tăng trưởng theo chiều rộng trên nền tảng sẵn có; năng suất lao động thấp; chuyển dịch cơ cấu chậm chuyển biến; tỷ lệ nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; hàm lượng khoa học - kỹ thuật trong cấu thành giá trị sản phẩm thấp; sản xuất vẫn theo kiểu “hứng là làm”…
“Những hạn chế, khiếm khuyết, yếu kém của nền kinh tế do đâu, phải chăng là do hệ thống chính sách, pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; khâu quản trị, điều hành của bộ máy quản lý nhà nước yếu kém mà cốt lõi là trình độ, năng lực, thái độ làm việc của đội ngũ công chức, viên chức không đáp ứng được với yêu cầu của hội nhập. Đây chính là “lỗi hệ thống” và khi càng hội nhập sâu thì “lỗi hệ thống” càng bộc lộ rõ”, ông Phước lo lắng.
“Gia nhập WTO và thực hiện các FTA, Việt Nam được nhiều hơn mất”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định nhưng vẫn băn khoăn trước việc sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực nhưng không phát huy được trong khi những điểm yếu lại bị các đối thủ khoét sâu.
“Do thiên nhiên ưu đãi, chúng ta có rất nhiều lợi thế về nông nghiệp nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành thủy sản thấp hơn so với trước khi gia nhập WTO và cả ngành nông nghiệp thay đổi không đáng kể. So với các nước xung quanh, chúng ta có lợi thế vô cùng lớn để phát triển du lịch, nhưng chúng ta vẫn không tận dụng được. Ngay cả bây giờ, chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng cơ hội này đang dần trôi qua mà vẫn không tận dụng được”, ông Hiển phát biểu.
Vì sao mà sau 8 năm gia nhập WTO và ký 11 FTA với mức độ mở cửa sâu rộng hơn mà Việt Nam không tận dụng được lợi thế, không biết biến thách thức thành cơ hội? Nguyên nhân, theo ông Hiển là do thể chế pháp luật kinh tế chất lượng và hiệu lực thực thi chưa cao; chính sách kinh tế chưa đủ mạnh; cải cách hành chính, cải cách khu vực công chưa đáp ứng yêu cầu; bộ máy quản lý nhà nước thiếu quyết liệt, chưa năng động, sáng tạo…