Cách đây 3 năm, cháu L. được chẩn đoán bệnh lý cơ tim giãn và được điều trị bảo tồn bằng các thuốc đặc hiệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
TS.Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi sau ghép tim. |
Thời gian gần đây, bệnh tình suy tim tiến triển nhanh và nặng, đáp ứng với các thuốc điều trị bảo tồn rất kém, bệnh nhi được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối, lựa chọn điều trị tối ưu cho bệnh nhi là phương pháp ghép tim.
Các chuyên gia tim mạch tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, mỗi năm cả nước chỉ có vài trường hợp chết não hiến tạng, cơ hội tìm người hiến tạng phù hợp để ghép tim cho trẻ em rất khó khăn.
Bệnh cảnh suy tim giai đoạn cuối của bệnh nhi khiến cháu khó thở, phải sinh hoại tại giường, đáp ứng điều trị kém. Nếu không được ghép tim, cơ hội sống sau 1 năm cho bệnh nhi là rất thấp.
May mắn cho cháu được một người chết não hiến tặng tim, giúp cháu hồi sinh sự sống. Các chỉ số tạng của người hiến và người nhận tạng hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên chỉ số cơ thể của người hiến lớn hơn 3,5 lần bệnh nhi.
Sự chênh lệch quá cao về chỉ số cơ thể mang lại nhiều khó khăn về phẫu thuật và hồi sức sau ghép, là thách thức với các trung tâm ghép trong nước và trên thế giới.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sỹ với kinh nghiệm 9 trường hợp ghép tim trẻ em đã tiên lượng những khó khăn trên và đưa ra phác đồ điều trị tích cực cho bệnh nhi.
Sau 1 tuần ghép tim, cơ thể của bệnh nhi đã dần thích nghi với trái tim. Sau 3 tuần phẫu thuật, cháu hồi phục rất tốt. Được biết, đây là ca ghép tim cho trẻ em thứ 10 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bệnh nhi tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường đủ điều kiện được ra viện. Chỉ mới 3 tuần trước thôi, cháu còn khó thở, phải sinh hoạt tại giường do bệnh suy tim giai đoạn cuối. Giờ đây, cháu L. đã khỏe mạnh, chạy nhảy tung tăng và vui vẻ tràn đầy sức sống.
Cảm kích trước tấm lòng tận tụy cứu chữa và chăm sóc của các thiên thần áo trắng, cháu hạnh phúc viết thư tay gửi lời cảm ơn tới các bác sỹ và mong sớm khỏe mạnh để được quay trở lại trường học cùng các bạn.
Các chuyên gia đánh giá dù công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới.
Những năm qua, các ca ghép tạng thành công, hồi sinh sự sống cho biết bao bệnh nhân như một lời khẳng định tay nghề của các bác sỹ nước nhà đã tiếp cận và chinh phục được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng.
Để có thể làm được điều đó là nỗ lực không ngừng nghỉ, cố gắng học hỏi, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật, kiến thức của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên với mong muốn mang lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân.
GS-TS.Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nhận định, ghép tạng được xem là điều kỳ diệu của y học bởi đây là biện pháp duy nhất cứu người bệnh suy tạng. Công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới.
Một số ý kiến khác cho rằng, hiện tạng ghép chỉ có thể đáp ứng chưa đến 10% số người bệnh do thiếu tạng hiến, thiếu khả năng tài chính. Do vậy cơ quan bảo hiểm xã hội nên chi trả hậu hơn cho ghép tạng, nhất là ghép thận.
Ở khía cạnh vĩ mô khác, nên phát triển ghép tạng đến các cơ sở đủ điều kiện. Việc mở rộng này là cách để các địa phương chia sẻ bớt gánh nặng kinh phí tại các bệnh viện lớn.
Để làm được điều đó, bệnh viện tuyến trước, ngành Y tế cần có chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn để phát triển kỹ thuật ghép tạng nói chung, ghép thận nói riêng vì bệnh nhân ghép thận hiện chiếm số lượng lớn.