Đầu tư
Hối thúc giải ngân ODA để thúc đẩy tăng trưởng
Hà Nguyễn - 21/10/2016 08:22
Một lần nữa, những hối thúc về việc phải đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi lại được đặt ra, khi báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội diễn ra hôm qua (20/10), Chính phủ đã nhắc tới khả năng khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay.

Trước đó, tại cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA với nhóm 6 ngân hàng phát triển, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA cũng đã nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giải ngân vốn kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016, nhất là với những dự án quan trọng kết thúc trong năm, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của  Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.

Số liệu được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, 9 tháng đầu năm, giải ngân ODA ước chỉ đạt 2,685 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân của cùng kỳ năm ngoái (3 tỷ USD). “Với tiến độ hiện nay, dự kiến giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2016 sẽ khó đạt được mức 4,65 tỷ USD của năm 2015”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương thừa nhận và cho rằng, một trong những lý do khiến giải ngân vốn ODA chậm liên quan tới việc giao vốn nước ngoài ở một số dự án chưa sát với khả năng thực hiện và giải ngân.

.

Theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước 2015, thì từ năm 2016, các bộ, ngành và địa phương không được giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và cam kết trong hiệp định như trước đây, mà chỉ được thực hiện và giải ngân theo kế hoạch đã giao. Tuy nhiên, vốn giao lại không chính xác, không sát với thực tế. Và điều này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, đã dẫn tới tình trạng những bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân tốt, tới hết tháng 7/2016 đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch vốn nước ngoài được giao, như  Hà Nội, TP.HCM, Bộ Giao thông - Vận tải…

“Hiện nay, nhu cầu bổ sung vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016 đã lên tới trên 28.357 tỷ đồng, chúng tôi cũng đã đề xuất bổ sung hơn 6.320 tỷ đồng, nhưng chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói và cũng cho biết, việc thiếu vốn đối ứng cũng là một nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA chậm.

“Việc triển khai đồng thời nhiều dự án ODA với tổng mức đầu tư lớn, kéo theo nhu cầu vốn đối ứng tương ứng cũng lớn, gây sức ép lớn cho ngân sách vốn đã eo hẹp của trung ương và các địa phương. Nhiều địa phương đã cam kết bố trí đủ vốn đối ứng, nhưng sau đó lại dồn gánh nặng lên ngân sách trung ương”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nói.

Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ nằm ở vốn đối ứng hay việc giao kế hoạch vốn nước ngoài. Nhóm 6 ngân hàng phát triển thậm chí đã vạch ra rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Ông Rustam Ishenaliev, Trưởng phòng Quản lý dự án của ADB tại Việt Nam đã nhắc đến những con số về “mốc thời gian” mà Việt Nam tiến hành quá chậm. 

“Quá chậm trễ ngay từ trong giai đoạn khởi động dự án. Trung bình, các dự án do 6 ngân hàng phát triển tài trợ sẽ cần 2 - 3 năm kể từ khi khoản vay được phê duyệt đến khi bắt đầu xây dựng và xây lắp”, ông Rustam Ishenaliev nói và cho biết, chuyện chậm trễ cũng bắt nguồn từ việc giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Đó là chưa kể những nguyên nhân liên quan đến các vướng mắc về quy định pháp luật, sự yếu kém về năng lực của ban quản lý dự án…

Vấn đề là, càng chậm giải ngân thì Việt Nam sẽ càng bị thiệt hại. Theo tính toán của ADB, cái giá phải trả của sự chậm trễ này là làm tăng thêm 17,6% chi phí mỗi năm.

Còn bà Lee Yoon Mee, Phó trưởng đại diện KEXIM Bank tại Việt Nam thậm chí còn nhắc tới việc dự án chậm trễ dẫn tới tăng tổng chi phí dự án, cũng như các chi phí về tư vấn, quản lý dự án, lãi suất phải trả trong thời gian thi công. “Chính phủ Việt Nam cần lên kế hoạch đẩy nhanh giải ngân các dự án đang thực hiện và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án mới”, bà Lee Yoon Mee khuyến nghị.

Còn ông Rustam Ishenaliev khẳng định: “Việt Nam hãy nâng cao tính sẵn sàng của các dự án. Ví như Ấn Độ, họ chỉ cho phép những dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sẵn sàng mới có thể tiếp tục đàm phán các khoản vay”.

Chỉ đạo thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất là cải thiện chất lượng thiết kế dự án để rút ngắn thời gian thực hiện và giảm thiểu chi phí do phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế; tăng cường công tác xây dựng, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hàng năm về vốn ODA, vốn vay ưu đãi, và vốn đối ứng; bảo đảm bố trí kế hoạch sát với thực tế thực hiện, kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn giải ngân vượt kế hoạch giao…

Tin liên quan
Tin khác