Đại diện Cốc Cốc cho biết, trong thời gian qua, cùng với việc phát triển máy tìm kiếm và trình duyệt, Cốc Cốc đã xây dựng một dịch vụ bản đồ số cho thị trường Việt Nam với tiêu chí khác biệt so với các dịch vụ tương tự. Mục tiêu của Cốc Cốc là nhằm hỗ trợ người dùng một bản đồ số thuận tiện và cập nhật nhất. Phương án được Cốc Cốc lựa chọn là đi vào "thị thường ngách" nơi chưa bị các công ty lớn của nước ngoài "chiếm đóng". Theo hướng này, Cốc Cốc đã tập trung xây dựng dữ liệu về POIs (point of interest - điểm dịch vụ) tại các thành phố, trung tâm tỉnh, huyện lị trên khắp Việt Nam.
POIs có nghĩa một địa điểm có dịch vụ hoặc một địa danh có ý nghĩa tìm kiếm với người dùng trên bản đồ chứ không phải một địa điểm bất kì nào đó. POIs có thể là quán cafe, quán phở, quán bún chả, cây xăng, hiệu thuốc, điểm đặt máy ATM....
"Khi tìm kiếm các dịch vụ trên Cốc Cốc Map người dùng sẽ thấy kết quả trả về là các địa điểm có địa chỉ cụ thể, kèm theo ảnh chụp thực tế. Các địa điểm đều có thông tin chi tiết cho dù đó là chỉ một điểm dịch vụ rất nhỏ như quán trà đá hay một tiệm bơm xe vỉa hè mà nhiều người không biết đến....", đại diện Cốc Cốc cho hay.
Vị trí một cây xăng trên bản đồ số Cốc Cốc Map. |
Mong muốn của Cốc Cốc là Cốc Cốc Map sẽ trở thành công cụ hữu ích "không thể thiếu được" của người dùng ở chính các tỉnh, thành chứ không chỉ riêng khách du lịch. Năm 2013, sau một khoảng thời gian triển khai, Cốc Cốc Map đã hoàn thành mục tiêu ban đầu là có được thông tin về 500.000 điểm dịch vụ. Tuy nhiên sau đó, nhóm phát triển Cốc Cốc Map phát hiện ra rằng cơ sở dữ liệu được thu thập đã có sự thay đổi đáng kể chỉ trong vài tháng. Nguyên nhân của sự thay đổi này có liên quan trực tiếp đến tốc độ biến động của các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo ghi nhận của Cốc Cốc, có khá nhiều quán xá, cửa hàng chỉ sau vài tháng hoạt động đã sang tên, đổi chủ và thay đổi luôn cả dịch vụ cung cấp.
Khảo sát của Cốc Cốc cho thấy trung bình có tới 40 - 50% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sau khoảng 2 năm hoạt động không còn trụ lại trên thị trường. Có địa điểm từng là quán cafe nhưng chỉ 3,4 tháng sau thành quán phở và cũng có thể trở thành một siêu thị mini chỉ một thời gian ngắn sau đó. Dữ liệu bản đồ Cốc Cốc Map cho thấy trên một đoạn phố ở Hà Nội trong khoảng từ 2013 - 2015 một cửa tiệm áo dài đã biến thành hiệu cầm đồ, trụ sở một công ty quảng cáo nay đã thành một shop quần áo...Điều này có nghĩa là có đến 40% số POIs đã thay đổi. Tương tự, giai đoạn này ở Tp.HCM có tuyến phố tỷ lệ này còn lên tới 70%...
Sau giai đoạn đầu thu thập dữ liệu POIs bằng phương pháp chụp thủ công từng địa điểm, Cốc Cốc đã chuyển sang áp dụng phương thức ghi hình tự động qua camera chuyên dụng gắn trên xe máy. Cùng với đó là việc phát triển công cụ đồng bộ, trích xuất hình ảnh từ camera tương ứng các địa điểm cụ thể. Phương pháp này đã mang lại hiệu quả khá cao. Tốc độ thu thập trung bình của mỗi nhân viên tăng từ 50 POIs/giờ lên tới 500 POIs/giờ (gấp 10 lần). Số lượng địa điểm được thu thập cũng lên tới 11.000 POIs/ngày. Trung bình một nhân viên xử lý dữ liệu phải hoàn thiện khoảng 400 POIs/ngày trên hệ thống bản đồ.
Cách thức thu thập dữ liệu này đã giúp việc xử lý, cập nhật hiệu quả, tốc độ hơn đồng thời đảm bảo hạn chế sai sót đến mức tối thiểu. Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng khai thác, cập nhật thông tin về POIs qua các nguồn khác trên internet. Do vậy, gần như không có tình trạng bỏ lọt, trùng lặp hay nhầm lẫn mà cách thu thập thủ công trước đó từng gặp phải.
Cốc Cốc hiện cũng đang triển khai tính năng xếp hạng, đánh giá của người dùng về chất lượng của các điểm dịch vụ. Điều này có nghĩa là sắp tới nếu một điểm dịch vụ nào, ví dụ một cây xăng có hành vi gian lận, hay một cửa hàng bán sản phẩm chất lượng không đảm bảo, bị khách hàng cho điểm kém thì họ sẽ gặp nhiều bất lợi. Ngược lại các điểm dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được tín nhiệm sẽ có cơ hội thu hút khách hàng nhiều hơn.
Theo đại diện Cốc Cốc, để có thể được tìm kiếm hiệu quả hơn trên dịch vụ bản đồ, chủ các doanh nghiệp, cửa hàng nên đầu tư thêm vào biển hiệu. Quá trình thu thập thông tin cho thấy hầu hết các cửa hàng, điểm dịch vụ đều có biển hiệu nhưng trên đó chỉ có 90% có ghi địa chỉ, 50% có số điện thoại, 15% có địa chỉ website...
Cốc Cốc cho hay từ việc camera "quét" biển hiệu, các thông tin như tên cửa hàng, địa chỉ, số điện thoại…sẽ được đưa vào dữ liệu Cốc Cốc Map. Do vậy các điểm dịch vụ nếu tích cực đưa các thông tin này lên trên bảng hiệu sẽ giúp họ dễ dàng được nhận diện và hiển thị hơn trên bản đồ Cốc Cốc Map.
Tổng chiều dài các tuyến đường, phố của Hà Nội mỗi lần cập nhật trên Cốc Cốc Map lên tới hơn 3.678km. Tương tự ở Tp.HCM là hơn 4.351km và Đà Nẵng khoảng 1.000km. Với Hà Nội và Tp.HCM do tổng số tuyến đường phố cần cập nhật dữ liệu khá lớn nên mỗi vòng cập nhật cách nhau khoảng 2 - 3 tháng. Riêng Đà Nẵng thì tốc độ cập nhật khá nhanh, khoảng 1 tháng/lần.
Hiện Cốc Cốc đã xây dựng được dữ liệu POIs tại 60/63 tỉnh, 171 thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn quốc. Theo số liệu thống kê thì tổng chiều dài các tuyến đường, phố mà các nhân viên của Cốc Cốc thu thập dữ liệu tính đến nay đã lên tới khoảng 90.000km (gấp 2 lần độ dài đường xích đạo).