Cả nước hiện có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu |
Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay, cả nước có 928 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.
Bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, thì không ít doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam. Cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan đang triển khai kế hoạch kiểm soát hàng phế liệu, đồng thời phối hợp với Tổng Cục cảnh sát tiến hành khởi tố, điều tra sâu vì việc làm giả giấy phép là cấu thành đủ tội danh là kinh doanh hàng cấm, theo Bộ Luật hình sự có hiệu lực thi hành 1/1/2018.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về phế liệu ồ ạt nhập khẩu về thị trường trong nước.
Cụ thể, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà hôm 5/6, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam) bày lo lắng về việc nhập khẩu phế liệu về Việt Nam khá lớn. "3 tháng, cả nước đã nhập hơn một triệu tấn sắt phế liệu, như vây có nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp, phóng xạ", ông Dũng quan ngại.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc nói không với nhập khẩu phế liệu đã được nhiều quốc gia áp dụng. Bối cảnh hiện nay Việt Nam không đủ năng lực công nghệ xử lý chất thải thì việc nói không với nhập khẩu phế liệu, chất thải là cần thiết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm, với phế liệu sắt thép thì có thể kiểm soát được vấn đề môi trường. Tuy nhiên nếu các nhà máy xây dựng tập trung ở khu đông dân cư cũng có thể phát sinh vấn đề ô nhiễm. Vì thế, ông cho rằng việc cấp phép, bố trí các dự án sản xuất, luyện thép phải thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo khoảng cách bán kính an toàn với người dân. Đặc biệt, về tổng thể, sẽ rà soát lại toàn bộ danh mục nhập khẩu phế liệu, chất thải.