Tiếng trống trường đã điểm, bắt đầu năm học mới 2024-2025 trên cả nước. |
Hơn 23 triệu học sinh cùng các thầy giáo, cô giáo trên cả nước nô nức dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 vào sáng nay, ngày 5/9. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tính đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 53.979 cơ sở giáo dục, với khoảng 25,26 triệu học sinh, sinh viên (trong đó, có khoảng hơn 2 triệu sinh viên). Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động khoảng 1,66 triệu người.
Hơn 23 triệu học sinh cùng các thầy giáo, cô giáo trên cả nước nô nức dự lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 vào sáng nay, ngày 5/9. |
Năm học 2024-2025 được đánh giá là một năm học đặc biệt khi lần đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Đây cũng là năm học diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người, qua đó góp phần quyết định sự vận động, phát triển của xã hội; là yếu tố quan trọng nhất, bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta.
Theo Thủ tướng, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Năm học mới 2024 - 2025, ngành Giáo dục đào tạo xác định chủ đề: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương", đồng thời đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. |
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; là năm Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều hoạt động kỷ niệm quan trọng, là thời điểm toàn ngành tích cực và phấn đấu triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng với nhiều giải pháp, nhiệm vụ lớn; là năm kết thúc Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm học 2024 - 2025, cùng với cả nước, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ lớn được giao tại Nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo. Năm học mới với tinh thần đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, toàn ngành Giáo dục sẽ ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Trong đó, triển khai ngay nội dung Kết luận 91 của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương; hoàn thành tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người. |
Triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ thuật cao, bao gồm ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển.
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
2. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
3. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
4. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
5. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
6. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học.
7. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
8. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục.
9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
11. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
12. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.