Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác của mình tại Việt Nam vừa chính thức khởi động dự án hỗ trợ 600 SMEs Việt Nam chuyển đổi số.
Các giải pháp công nghệ này sẽ giúp SMEs tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hoạt động.
Chương trình này nhằm phục vụ cho nghiên cứu “Đánh giá tác động ứng dụng công nghệ số hóa lên hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
Theo đó, WB tại Việt Nam sẽ “bắt tay” với Công ty Real-Time Analytics (RTA) thực thi việc này.
Những doanh nghiệp này sẽ được đào tạo sử dụng phần mềm có bản quyền về lập kế hoạch nguồn lực hoàn toàn miễn phí.
Triển khai chương trình này, WB và các đối tác sẽ tập trung vào 4 nội dung.
Đó là đánh giá sức khỏe doanh nghiệp để xác định những vấn đề khiến doanh nghiệp bị giảm hiệu suất và sức cạnh tranh; tư vấn, đào tạo doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi nhận thức và chiến lược chuyển đổi số; ứng dụng giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp số hóa việc vận hành và tự động hoá quản trị; đo lường hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số.
Ngoài ra, các dịch vụ tiếp cận thông tin, dự án của WB còn trực tiếp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng ba giải pháp công nghệ về quản lý bán hàng và khách hàng, quản lý nhân sự và giao tiếp nội bộ.
Theo ông Lê Đặng Trung, Giám đốc Công ty RTA, SMEs là thị trường khổng lồ cho các công ty công nghệ như RTA cung cấp giải pháp chuyển đổi số.
Ở Việt Nam, hiện có hơn 600.000 SMEs và đa số vẫn chưa ứng dụng giải pháp công nghệ để vận hành quản trị. Trong khi năng suất lao động thì SMEs Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực.
Theo nghiên cứu của tổ chức ILO, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan).
Nguyên nhân của việc này vì còn quá ít SME ứng dụng số hóa vì hiện chưa có nền tảng công nghệ phù hợp với SME.
Nền tảng công nghệ hiện nay đã có nhiều sự lựa chọn giúp doanh nghiệp chuyển đổi số mà không cần nâng cấp hạ tầng, con người, chi phí có thể chỉ mấy trăm nghìn đồng |
Theo ông Trung, SME cần nền tảng công nghệ phải giải quyết được nhiều vấn đề.
Ví dụ: Giải quyết được bài toán vận hành và quản trị không giấy; Đầy đủ chức năng trong 1 hệ thống; Không đòi hỏi đầu tư nâng cấp máy móc và kỹ năng của nhân sự hiện hữu; Đơn giản và dễ sử dụng; Không tốn nhiều tiền triển khai và vận hành sử dụng hàng tháng
Với nhu cầu như vậy thì rõ ràng hiện chưa có nền tảng công nghệ nào đáp ứng. Do đó, hơn 600.000 SME vẫn đang tìm kiếm nền tảng công nghệ để áp dụng chuyển đổi số.
RTA sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển nền tảng công nghệ rtWork tất cả trong 1 cho doanh nghiệp SME vận hành không giấy và tự động hóa quản trị ở mọi ngành nghề và quy mô.
“Mục tiêu chúng tôi đặt ra là giúp khách hàng tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và thời gian và gia tăng lợi nhuận”, ông Trung cho biết.
WB và RTA kỳ vọng tạo ra một chương trình chuyển đổi số để các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận, nhưng lại không tốn nguồn lực hay các chi phí đầu tư.
Sắp tới sẽ có hai gói tài trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Gói Digital Express sẽ tài trợ kinh phí cho 100% nhân viên doanh nghiệp đăng ký sử dụng, trong vòng 12 tháng từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2022.
Có 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được chọn gói tài trợ này khi tham gia bốc thăm ngẫu nhiên vào tháng 8/2021 tới đây.
Ngoài ra, còn có gói Digital Prime sẽ tài trợ kinh phí cho từ 20-100% nhân viên doanh nghiệp đăng ký sử dụng.
Tổng thời gian tài trợ cũng là 12 tháng, bắt đầu từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023 và khoảng 300 doanh nghiệp sẽ được chọn khi tham gia bốc thăm ngẫu nhiên được tổ chức vào tháng 7/2022.
Các SMEs tham gia phải có quy mô nhân sự từ 10-100 người, hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trên phạm vi cả nước. Đồng thời, cam kết cung cấp chính xác thông tin, thực hiện các nội dung hướng dẫn và yêu cầu khảo sát nhằm hướng tới hiệu quả chuyển đổi số và các gói tài trợ.