Theo thống kê, cả nước ghi nhận hơn 73.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7 bằng hình thức trực truyến trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT.
Con số này tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Năm 2023, có hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên Hệ thống, tương đương 65,9% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Trước đó, năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận hơn 616.000 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học, chiếm tỉ lệ 64,1% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Sau khi cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến đóng, từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, các thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là việc làm rất quan trọng để các nguyện vọng xét tuyển chính thức có hiệu lực.
Bộ GD&ĐT cũng đã có sự phân bổ thời gian ở 6 nhóm trên 63 tỉnh thành và hướng dẫn cụ thể cho các em trong việc đóng lệ phí, tránh tình trạng hệ thống bị tắc nghẽn.
Phí đăng ký là 20.000 đồng một nguyện vọng. Đăng ký bao nhiêu nguyện vọng, thí sinh phải thanh toán số tiền tương ứng.
Năm 2024, cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT (tăng khoảng 45.000 thí sinh so với năm 2023). Tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi ngày 26/6 là 1.060.356 thí sinh.
Trong đó, có 63% thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội, 73% thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên. Có 67.000 thí sinh được miễn bài thi ngoại ngữ.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển bắt đầu từ ngày 17/8. Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ tháng 9 đến tháng 12, các cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.