Du lịch
Hợp tác công-tư: “Chìa khóa” phục hồi, phát triển ngành kinh tế xanh
Hồ Hạ - 29/11/2020 09:37
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, hợp tác công-tư và ưu tiên sức khỏe cộng đồng là “chìa khóa” phục hồi, phát triển du lịch trong kỷ nguyên Covid-19.

Bà Gloria Guevara, CEO và Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) và ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chia sẻ về lối đi được cho là phù hợp để phục hồi du lịch và lữ hành tới Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra sáng 28/11 tại Quảng Nam.

Bà Gloria Guevara, CEO và Chủ tịch Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC).

Mở đầu bài chia sẻ, bà Gloria Guevara nhấn mạnh, du lịch và lữ hành chiếm 10% GDP toàn cầu.

Đại diện cho khu vực kinh tế tư nhân, WTTC gồm hơn 200 CEO thành viên. Trong đó, 90% phân phối đều tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ. 10% còn lại thuộc các khu vực khác. WTTC bao trùm mọi lĩnh vực trong khu vực kinh tế.

“30 năm qua, WTTC cung cấp các nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế cho 185 quốc gia. Chúng tôi định lượng các phần đóng góp trong du lịch và lữ hành từ đó đưa ra con số 10%. 9 năm qua, tốc độ phát triển của nhóm ngành này cao hơn hẳn so với tốc độ trung bình của nền kinh tế. Năm 2019 cũng không phải ngoại lệ khi hai số liệu chênh lệch tới 40%. Cứ 10 lao động có một người của ngành dịch vụ và lữ hành. Ngành dịch vụ lữ hành đã tạo ra 230 triệu việc làm”, bà Gloria Guevara thông tin.

Dựa vào nghiên cứu, bà Gloria Guevara cho biết, có thể định lượng được ảnh hưởng của Covid-19. Đáng tiếc, số người bị ảnh hưởng đã tăng từ 50 triệu lên tới 75 triệu. Số liệu gần nhất khi lại được là 121 triệu người. Nếu không kịp thời giải quyết, con số có thể còn tăng gần gấp đôi, với khoảng 200 triệu người. Đây là mối quan ngại lớn đối với nhóm ngành của chúng ta.

Không chỉ nghiên cứu để định lượng ảnh hưởng kinh tế, WTTC còn đi sâu vào các tiền lệ, đặc biệt là những cuộc khủng hoảng như hiện tại. Trong bản báo cáo vào tháng 11 năm ngoái, chúng tôi đề cập tới 90 trường hợp xảy ra trong 20 năm qua và rút ra 3 bài học quý giá.

Đầu tiên là vụ 11/9, một sự kiện chưa có tiền lệ. Cuộc khủng hoảng lớn ảnh hưởng tới nhóm ngành. Quá trình phục hồi mất nhiều năm. Một trong những nguyên nhân là do công - tư hoạt động độc lập. Các quốc gia đưa ra những bộ quy ước riêng mà không hợp tác với khu vực kinh tế tư nhân. Chúng gây nên nhiều bất trắc và sự thiếu nhất quán trong quy trình an ninh, đặc biệt là tại các sân bay.

Sau 19 năm, với sự xuất hiện của Covid-19, việc ra vào các sân bay khắp thế giới có nhiều thay đổi và khó khăn hơn trước. Thiếu giao thức chuẩn hóa ảnh hưởng tới quá trình phục hồi. Đó là một trong những lý do.

Bài học thứ hai đến từ khủng hoảng tài chính năm 2008, chúng ta phục hồi khá nhanh theo biểu đồ hình chữ V. Có được điều này là bởi chúng ta nhận đã thức được tầm quan trọng của sự hợp tác và diễn đàn G20 được thành lập.

Hợp tác công - tư chưa được thiết lập sẵn, do vậy Bộ Tài chính các nước làm việc với khu vực kinh tế tư nhân. Lần này, ta nắm được quá trình mọi việc diễn ra và phục hồi thành công sau 18 tháng (ở mức trung bình).

Cuối cùng, ta có thể học từ các đợt bùng phát dịch trước đây. Châu Á có nhiều kinh nghiệm. Và tôi biết Việt Nam đã thực hiện rất tốt công tác ngăn chặn dịch. SARS, MERS và EBOLA tại Châu Phi chứng minh, ta có thể đi lại ngay cả khi chưa có vắc-xin.

Do vậy, truy dấu tiếp xúc là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, với covid-19, khi 80% người nhiễm không có triệu chứng, biện pháp này có hiệu quả tại nhiều quốc gia, giúp họ phục hồi nhanh hơn. Và chúng ta khuyến khích cách làm này.

Qua bài học này, ta rút ra được 4 lối đi, 4 nguyên tắc cho việc phục hồi. Khủng hoảng năm 2008 ta học được rằng, phải có cách tiếp cận mang tính phối hợp công-tư cao hơn, mở cửa lại biên giới, gỡ bỏ các rào cản cần thực hiện với sự điều phối chặt chẽ.

“Ví dụ, với các đường hành lang thiết lập tại châu Á, họ xem xét thành phần y tế, du lịch và chính trị nên việc phối hợp ăn ý là rất quan trọng, tránh việc áp đặt lệnh cách ly mà không có lý do. Điều này không giúp kinh tế phục hồi”, Chủ tịch WTTC dẫn chứng.

Thứ hai, ta cần tập trung đơn giản hóa trải nghiệm du lịch, bao gồm lộ trình từ sân bay đến khách sạn. Nó được chia làm hai giai đoạn trước và sau khi có vắc-xin. Ta không đủ khả năng kinh tế để đóng băng du lịch hoàn toàn khi chưa có vắc-xin thì phải học cách sống chung với đại dịch. Cụ thể là bằng cách truy dấu tiếp xúc. Đó là lý do tại sao nhiều nước tiến hành xét nghiệm tại khu vực làm thủ tục để cách ly những người có bệnh, hạn chế tối đa và ngăn chặn sự lây lan.

Thứ ba là việc áp dụng các quy ước quốc tế. Đây là việc làm quan yếu giúp gây dựng lại niềm tin của du khách. Đó là lí do WTTC đưa ra những quy ước này để tạo sự nhất quán trong hành trình.

“Thứ tư là duy trì hỗ trợ từ chính phủ, không chỉ trong khủng hoảng mà còn phục vụ quá trình hồi phục để vượt qua những thời khắc khó khăn”, bà Gloria Guevara.

Trong khi đó, ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng, Hội nghị toàn quốc Du lịch Việt Nam 2020 diễn ra trong thời điểm hết sức quan trọng với ngành du lịch Việt Nam.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).

Đại dịch đòi hỏi sự chống trả mạnh mẽ, những quyết sách đúng đắn tại thời điểm thích hợp. Tôi tán dương tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam. Việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia và đóng cửa các biên giới kịp thời đã cứu nhiều mạng người.

Hiện tại, khi du lịch nội địa đã khởi động, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một điển hình cho tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo.

“Tôi cam đoan rằng UNWTO sẽ tăng cường hỗ trợ các bạn trong quá trình thích ứng với thực trạng. Bộ hướng dẫn Tái khởi động ngành Du lịch toàn cầu của UNTWTO là lộ trình phù hợp, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công-tư và ưu tiên sức khỏe cộng đồng. Tôi tin nó sẽ hữu ích trong những ngày tháng gian nan phía trước”, ông Zurab Pololikashvili khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác