Lỗ nặng do đâu?
Báo cáo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong năm 2018, toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ ghi nhận mức lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Thống kê từ 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, có 10 doanh nghiệp ghi nhận lỗ.
Trong đó, công ty bảo hiểm nhân thọ có mức lỗ lớn nhất trong năm 2018 là Manulife Việt Nam với mức lỗ trước thuế 2.721 tỷ đồng, tăng 117% so với năm 2017 (năm 2017 lỗ 1.254 tỷ đồng), trong khi năm 2016, doanh nghiệp lãi trước thuế 555 tỷ đồng.
Có mức lỗ lớn tiếp theo trong năm 2018 là Generali Việt Nam (lỗ 997 tỷ đồng), Sun Life (lỗ 304 tỷ đồng), Hanwha Life (lỗ 186 tỷ đồng)...
Lãi (lỗ) của hoạt động bảo hiểm nhân thọ phát sinh từ sự khác biệt giữa việc tính phí trên thực tế so với lúc thiết kế sản phẩm. Các công ty bảo hiểm nhân thọ chủ yếu dựa vào 3 yếu tố để tính phí bảo hiểm khi thiết kế sản phẩm là dựa vào Bảng tỷ lệ tử vong 1980 theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, tỷ lệ chi phí bình quân trên một hợp đồng và lãi suất đầu tư kỹ thuật.
Để tìm nguyên nhân thực sự khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lỗ nặng năm qua, phóng viên đã liên hệ với một số công ty bảo hiểm nhân thọ.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Manulife Việt Nam cho biết, việc Công ty lỗ trong năm 2018 là do khoản trích lập dự phòng chiếm tới 2/3 chi phí hoạt động 2018.
“Thực tế, năm 2018, Manulife Việt Nam có một năm hoạt động ấn tượng với doanh thu tăng trưởng đến 38% so với 2017, nhưng để đảm bảo khả năng chi trả các quyền lợi của khách hàng trong tương lai, Manulife Việt Nam đã trích lập thêm khoản dự phòng trong năm 2018 là 7.228 tỷ đồng, dẫn đến khoản lỗ trước thuế là 2.721 tỷ đồng”, đại diện lãnh đạo Manulife nói.
Về ý kiến cho rằng, khoản lỗ của Manulife Việt Nam và của một số doanh nghiệp bảo hiểm khác là do hợp tác độc quyền bán bảo hiểm qua ngân hàng, không phải do lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, vị này khẳng định, những thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối qua ngân hàng không phải là lý do phát sinh lỗ tại Manulife Việt Nam.
“Thực tế, chi phí này được dàn trải đều theo thời gian hợp tác và đảm bảo nằm trong phần ngân sách của chi phí kinh doanh. Như đã nói, trong năm 2018, có tới 2/3 tổng chi phí hoạt động là khoản dự phòng bổ sung được Công ty trích lập riêng lên đến 7.228 tỷ đồng. 40% trong số đó là do tác động của việc sụt giảm lãi suất trái phiếu chính phủ, gần 60% còn lại là khoản dự phòng dành cho các hợp đồng mới phát hành”, đại diện lãnh đạo Manulife cho biết.
Tương tự, trao đổi với Generali Việt Nam, đại diện công ty này cũng cho biết, thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối qua ngân hàng không phải là lý do gây lỗ của Công ty trong năm 2018, vì thực tế, chi phí này được dàn trải đều theo nhiều năm hợp tác và tính đến thời điểm này, Công ty đã có lãi.
Về khoản lỗ 304 tỷ đồng năm 2018 (2 năm trước đó 2016- 2017 cũng lỗ, lần lượt lỗ là 109 tỷ đồng và 172 tỷ đồng), thông tin từ Sun Life cũng do biết nguyên nhân lỗ không liên quan gì đến hợp tác độc quyền, và đến thời điểm này Công ty chưa hợp tác với ngân hàng nào. Đây cũng là kết quả đương nhiên mà bất cứ một công ty bảo hiểm nhân thọ mới thành lập nào cũng gặp phải.
Bên cạnh đó, Sun Life là công ty vừa chuyển sang mô hình hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài (mới được 2 năm) nên chi phí để vận hành đối với một công ty mới khá lớn (chi phí cho thiết kế sản phẩm, nhân sự, mạng lưới, thương hiệu…) trong khi nguồn thu chưa nhiều.
Còn đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết, hiện tại đang hợp tác với Wooribank và hợp đồng này là không độc quyền. Về khoản lỗ 186 tỷ đồng năm 2018, hãng này cho biết, mặc dù đã có kế hoạch và phương pháp lập dự phòng thận trọng, song khoản lỗ chủ yếu do lãi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống mức thấp hơn dự kiến trong thời gian qua, kéo theo sự sụt giảm mạnh của lãi suất chiết khấu áp dụng để tính dự phòng kỹ thuật.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã phải trích lập dự phòng lớn trong năm qua, trong đó có Hanwha Life.
Một chuyên gia tài chính từng làm việc tại 1 công ty bảo hiểm lớn cũng cho biết, việc lỗ này không phải do các hợp đồng độc quyền với ngân hàng, bởi chi phí bỏ ra được hạch toán vào chi phí hoạt động, thường được chia nhỏ thành chi phí trong vòng 5 - 10 năm, tùy kế toán mỗi công ty.
“Đa số công ty bảo hiểm nhân thọ lỗ là do lãi suất trái phiếu chính phủ giảm nhanh trong thời gian từ 2012 đến nay, dẫn đến các giả định giá (financial actuarial assumptions) cần phải được tái điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, các công ty đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ, hay sản phẩm được bảo đảm bởi trái phiếu chính phủ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Các công ty có khả năng đầu tư đa dạng sẽ ít bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu điều chỉnh về dự phòng định giá, nên cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ", vị chuyên gia nói.
Đồng thời, chuyên gia tài chính cũng lưu ý thêm, các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài thường có 2 hệ thống kế toán, một hệ thống theo chuẩn Việt Nam (VN GAAP) và một hệ thống theo chuẩn IFRS hoặc US GAAP. Đôi khi, theo chuẩn Việt Nam thì lỗ, nhưng chuẩn còn lại thì lãi hoặc ngược lại.
Ngoài ra, có một khái niệm quan trọng để đo hiệu quả kinh doanh về lâu dài của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gọi là present value of new business (tạm dịch là lợi nhuận biết trước), phần lớn các công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế đều lãi theo khái niệm này.
Quyền lợi khách hàng luôn được đảm bảo
Dù nguyên nhân lỗ do đâu, kết quả lỗ của các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng gây ra những băn khoăn nhất định cho đại lý và khách hàng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều khẳng định, kết quả kinh doanh này không ảnh hưởng đến an toàn tài chính của công ty. Các doanh nghiệp vẫn duy trì nguồn tài chính vững mạnh với biên khả năng thanh toán vượt xa các yêu cầu theo luật định, nên không đáng ngại.
Lãnh đạo Manulife Việt Nam cho biết, Thông tư 01/2019/TT-BTC, sửa đổi Thông tư 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 16/2/2019 sẽ giúp cải thiện vị thế vốn của các công ty bảo hiểm nhân thọ bằng cách cập nhật tiêu chuẩn định giá lãi suất.
“Do đó, năm 2019, chúng tôi dự đoán lợi nhuận hoạt động khả quan sẽ bù đắp khoản lỗ trong năm 2018", lãnh đạo Manulife Việt Nam nói.
Trong khi đó, đại diện Hanwha Life Việt Nam cho biết: "Năm 2019, công ty đã và đang tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận theo kế hoạch cộng thêm lãi phát sinh từ điều chỉnh lỗ tạm thời của 2 năm trước. Do vậy Hanwha Life Việt Nam dự kiến sẽ có lãi trong năm nay".
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, chuyên gia thẩm định bảo hiểm nhân thọ, cơ quan quản lý thị trường luôn quản lý chặt chẽ về mặt tài chính của các công ty bảo hiểm, nên khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ cứ bình tĩnh đầu tư vào sản phẩm này, không sợ bị mất tiền.
Cũng theo các chuyên gia bảo hiểm, ngay cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lãi lớn, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu bỏ tiền vào quỹ nghiệp vụ bảo hiểm, chứ không cho mang về công ty mẹ ở nước ngoài (với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vốn ngoại) nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Chưa kể, còn có quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do các công ty bảo hiểm trên thị trường đóng góp, nên trong trường hợp đặc biệt, khách hàng vẫn được bảo đảm quyền lợi và an tâm về các khoản đầu tư bảo hiểm trước đó.
Bên cạnh các công ty bảo hiểm nhân thọ bị lỗ, năm 2018, thị trường cũng ghi nhận có những công ty lãi, thậm chí lãi lớn như Prudential, lãi trước thuế 1.382 tỷ đồng (tăng 114% so với năm 2017), Bảo Việt Nhân thọ lãi 956 tỷ đồng, AIA Việt Nam lãi 563 tỷ đồng, Dai-ichi Việt Nam lãi 57 tỷ đồng, trong khi năm 2017 lỗ nặng 515 tỷ đồng...