HTX èo uột vì đâu?
Ông Nguyễn Mạnh Chư, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Trực Chính (Trực Ninh, Nam Định) cho hay, hiện nay, HTX chỉ có dịch vụ đầu vào cho xã viên. Lãi bình quân của HTX hàng tháng chỉ 15 triệu đồng, lương Chủ nhiệm bình quân chỉ là 2,3 triệu đồng.
Trong số gần 11.000 HTX nông nghiệp trên cả nước, có rất nhiều HTX như HTX Trực Chính. Ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho hay, lợi nhuận bình quân của HTX chỉ 200 triệu đồng/HTX/năm và thu nhập bình quân chỉ đạt 1 triệu đồng/người/tháng.
HTX được vay vốn đến 1 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Đặc biệt, đa số HTX nông nghiệp hiện nay mới tập trung vào các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, như cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…; trong khi các dịch vụ rất quan trọng như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm lại chưa được quan tâm, nên số HTX thực hiện bao tiêu nông sản cho nông dân ít, mới chiếm khoảng 10%.
Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nông dân đa số vẫn phải “tự làm, tự bán” là chính,.
“Do hiệu quả hoạt động hạn chế, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao, nên nông dân chưa hăng hái tham gia”, ông Thịnh cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tổ chức lại sản xuất là một trong những trụ cột tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, mô hình HTX được coi là một điểm nhấn của tổ chức lại sản xuất. Tuy nhiên, để có sức sống, HTX phải chuyển đổi từ cung ứng dịch vụ đầu vào sang chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các địa phương, các HTX cần chú trọng mô hình liên kết chuỗi.
“Hiện nay, xuất hiện rất rõ nhu cầu là HTX trở thành tổ chức của nông dân để sản xuất hàng hóa theo quy trình thống nhất, kết nối với doanh nghiệp để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ”, Bộ trưởng nói.
Khát ưu đãi, chật vật chuyển theo luật mới
Tự nhận là người từng ăn cơm HTX, từng “chăn trâu cho HTX”, điều mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trăn trở nhất là các chính sách hỗ trợ HTX đi vào cuộc sống lại quá thấp. Theo Bộ trưởng, hiện nay, chỉ dưới 3% HTX được tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ vì lý do chính sách chưa “trúng” nhu cầu của HTX, hoặc “trúng”, nhưng lại vượt quá khả năng hỗ trợ của Chính phủ.
Đại diện nhiều HTX cũng cho hay, họ đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, đất đai, đầu ra..., trong khi việc tiếp cận chính sách hỗ trợ rất khó. Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX Trấn Ninh (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, song HTX vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
“Theo quy định, HTX được vay vốn đến 1 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp. HTX chúng tôi có dự án mở cửa hàng vật tư nông nghiệp, đã có đủ văn bản và dự án khả thi theo quy định để xin vay 300 triệu đồng với mục đích cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống khoai tây trồng vụ đông xuân 2015 - 2016 cho các thành viên, nhưng đến nay vẫn chưa được ngân hàng trả lời”, ông Hoan cho biết.
Được biết, để mô hình HTX hoạt động hiệu quả hơn, Luật Hợp tác xã 2012 đã được ban hành, có hiệu lực từ năm 2013. Đến nay, các nghị định và thông tư hướng dẫn đều đã có. Tuy nhiên, công tác triển khai Luật rất chậm chạp.
Theo quy định, chậm nhất đến hết tháng 6/2016, các HTX phải chuyển đổi xong theo Luật Hợp tác xã 2012. Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2015 mới có 29,38% HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
Ông Hoàng Lê Hoan cho rằng, việc chuyển đổi chậm do nhận thức về HTX kiểu mới và Luật Hợp tác xã của cán bộ địa phương chưa thấu đáo, nên đang lúng túng trong triển khai.
Bên cạnh đó, một số bất cập tình hình, vốn, quỹ khó khăn và chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhiều quy định không còn phù hợp thực tiễn... cũng là nguyên nhân khiến Luật Hợp tác xã chậm đi vào cuộc sống.
Được biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương đánh giá, phát hiện các mô hình HTX điển hình làm mô hình điểm để nhân rộng. Đồng thời, thực hiện hỗ trợ và xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.
Về phía Liên minh HTX Việt Nam, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh cho hay, thời gian tới, Liên minh HTX sẽ thúc đẩy các HTX chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi, sẽ tập trung xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị bền vững và theo từng vùng, từng miền, từng sản phẩm chủ lực với hàng hóa quy mô lớn.
“Thời gian tới, HTX sẽ chuyển từ từ phục vụ đầu vào sang phục vụ đầu ra, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị. Đây là khâu rất quan trọng, vì thị trường là mệnh lệnh của sản xuất. Chỉ có con đường đó mới phát triển được kinh tế hợp tác”, ông Võ Kim Cự nói.