Nguồn vốn ngân sách nhà nước có hạn trong khi nhu cầu hỗ trợ từ các chương trình như xây dựng mô hình HTX kiểu mới quá nhiều |
Để thực hiện tham vọng trên, tổng số vốn mà Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cấp vô cùng lớn. Cụ thể, chỉ tính riêng việc xây dựng 200 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô lớn như chuỗi sản phẩm thanh long tại Long An, bưởi da xanh tại Bến Tre, cá tra tại Cần Thơ, cam tại Hòa Bình, xoài tại Tiền Giang, dưa hấu tại Quảng Nam, vải tại Bắc Giang… đã cần tới 1.600 - 2.600 tỷ đồng.
“Dự trù kinh phí hỗ trợ cho mỗi mô hình là 7 - 13 tỷ đồng, Ngân sách Trung ương hỗ trợ 3 - 5 tỷ đồng/mô hình. Trong đó, ưu tiên cho các HTX có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, có sức lan tỏa rộng, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực theo quy mô tỉnh, liên tỉnh và vùng”, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết và đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ thêm trên cơ sở lồng ghép vào Chương trình Nông thôn mới 300 - 500 tỷ đồng, Chương trình Giảm nghèo bền vững 200 - 300 tỷ đồng, Chương trình Khoa học công nghệ 100 - 200 tỷ đồng.
Ngoài số tiền kể trên, để phát triển HTX, theo tính toán của Liên minh HTX Việt Nam, trong thời gian tới, ngân sách nhà nước cần hỗ trợ cho 200 HTX môi trường ở những vùng trọng điểm, nhạy cảm, đông dân cư 200 tỷ đồng; hỗ trợ mở rộng thị trường, tiếp thị, hội trợ, triển lãm, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm 100 tỷ đồng; hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn, công nghệ thông tin xúc tiến thương mại điện tử 150 tỷ đồng; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới và kết nối chuỗi tiến tới hình thành trung tâm logistics 300 tỷ đồng; thí điểm xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao 300 tỷ đồng.
“Tôi từng làm lãnh đạo địa phương (Chủ tịch và Bí thư tỉnh Hà Tĩnh), nên hiểu rất rõ rằng, ở xã nào không có doanh nghiệp, không có HTX kiểu mới thì rất khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, người dân vẫn muôn đời làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, nên rất khó đạt được tiêu chí nông thôn mới nếu không dốc sức hỗ trợ phát triển HTX. Nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững là hai chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển bền vững. Muốn hoàn thành hai chương trình này thì hỗ trợ HTX phát triển là điều kiện tiên quyết”, ông Cự nói.
Xác định hỗ trợ phát triển HTX làm đầu tàu để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới và giảm nghèo là chủ trương lớn, cần phải thực hiện, song Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông băn khoăn rằng, nguồn vốn ngân sách nhà nước có hạn, trong khi nhu cầu hỗ trợ quá nhiều, chương trình nào cũng được coi là mũi nhọn cần ưu tiên phân bổ vốn.
“Nếu chỗ nào cũng coi là mũi nhọn, thì tổng hợp các mũi nhọn chẳng khác nào… vỏ mít (có quá nhiều gai - mũi nhọn). Trong khi nguồn lực có hạn mà chương trình nào cũng muốn được ưu tiên thì nguồn vốn phân bổ dàn trải, nên không ai được ưu tiên. Hơn nữa, vấn đề nằm ở chỗ, trong phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2016 đã được Quốc hội thông qua không có nguồn nào hỗ trợ kinh tế tập thể, ngoài nguồn vốn sự nghiệp cấp cho Liên minh HTX Việt Nam. Phân bổ Ngân sách Trung ương các năm tới cũng thế”, ông Đông thông tin và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tìm ra nguồn vốn hỗ trợ HTX phát triển theo đề xuất, kiến nghị của Liên minh HTX Việt Nam.
Nguồn vốn thực hiện tham vọng của Liên minh HTX Việt Nam, theo ông Đông, có thể sử dụng từ Chương trình Nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững, vì mục tiêu phát triển HTX kiểu mới cũng nằm trong các chương trình này.
“Chương trình Nông thôn mới được bố trí 63.000 tỷ đồng, một khoản vốn vô cùng lớn, nhưng nếu thực hiện quá nhiều chương trình, dự án thì bao nhiêu cũng không đủ. Vì thế, cần phải thu gọn lại đầu mối, chương trình cần hỗ trợ. Ví dụ, trong số 20 sản phẩm hàng hóa chủ lực có quy mô lớn như thanh long, bưởi da xanh, cá tra, cam, xoài, chanh leo, dưa hấu, gạo, café, cacao…, chỉ nên chọn lọc 10 - 12 sản phẩm ưu tiên hỗ trợ trước”, ông Đông gợi ý.