Tài chính - Chứng khoán
HoSE và HNX báo lãi kỷ lục, sự cố nghẽn lệnh vẫn đeo đẳng
Thanh Thủy - 21/05/2021 16:28
Chứng khoán Việt Nam hiện đều đặn ghi nhận những phiên giao dịch với mức thanh khoản trên tỷ USD. Nhưng một hệ quả khác là sự cố nghẽn lệnh vẫn đeo đẳng và chưa có lời giải.

Thu thêm hàng trăm tỷ đồng nhờ thị trường chứng khoán sôi động

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Hà Nội (HNX) vừa đồng thời công bố báo cáo tài chính năm 2020. Với thu nhập chính đến từ thu phí giao dịch chứng khoán, không lạ khi cả hai sở đều đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng.

Doanh thu dịch vụ giao dịch chứng khoán trên sàn HoSE năm 2020 đạt 873 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Ở sàn Hà Nội, nguồn thu này cũng tăng trưởng tới 37,6%, đạt 637 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ niêm yết đi ngang, thậm chí giảm tại HNX, trong khi doanh thu cung cấp thông tin/dịch vụ lại tăng khá dù mới chỉ đóng góp mức nhỏ trong tổng doanh thu.

Tổng cộng HoSE thu về 993 tỷ đồng doanh thu, còn HNX thu 733 tỷ đồng. So với cùng kỳ, doanh thu hai sở đã tăng thêm gần 460 tỷ đồng. Đây cũng đều là các mức doanh thu cao nhất kể từ khi hoạt động của hai sàn chứng khoán này.  

Kết quả này có được cũng nhờ sự sôi động của thị trường. Sự tăng trưởng đột phá của thanh khoản thị trường cổ phiếu cũng chính là điểm nổi bật của thị trường chứng khoán năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt  7.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng trong đó, tháng 11 và 12 đạt mức bình quân 10.000 và 14.800 tỷ đồng/phiên. Đến nay, thanh khoản thị trường còn duy trì ở mức cao hơn, trên 20.000 tỷ đồng mỗi ngày.

Với  chi phí hoạt động nghiệp vụ thấp và cũng không phải chịu gánh nặng tài chính, lợi nhuận của cả hai sở giao dịch đều cao và tăng trưởng mạnh so với năm trước. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM báo lãi ròng gần 553 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2019. Tăng trưởng tại HNX khiêm tốn hơn, lợi nhuận sau thuế tăng từ 311 tỷ đồng lên 399 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 28,2%.

Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh doanh, HNX lại nhỉnh hơn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân tại HoSE năm 2020 đạt 32,2%, trong khi tỷ suất này tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đạt 39,9%.

Theo phương án kinh doanh đã đề ra cho năm 2021, HoSE dự tính sẽ tiếp tục tăng trưởng ở cả hai chỉ tiêu này trong năm 2021 với tăng trưởng doanh thu là 7,25% còn lợi nhuận dự kiến tăng 17,2%.

HoSE đầu tư mua sắm thiết bị thêm gần 130 tỷ đồng

Quy mô vốn điều lệ của hai sở vẫn duy trì ở mức 1.236 tỷ đồng tại HoSE và và 746,5 tỷ đồng tại HNX. Trong khi HNX không giữ bất kỳ phần lợi nhuận để lại nào, vốn tự có của HoSE vẫn đang được tích lũy thêm do phân phối vào quỹ đầu tư phát triển hàng năm.

Một trong các dự án quan trọng nhất của các sở giao dịch và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) hiện nay là dự án công nghệ thông tin KRX. Dự án này đang trong giai đoạn nghiệm thu cài đặt phần mềm KRX. HoSE là chủ đầu tư, còn HNX và VSD là các đơn vị thụ hưởng. Do vậy, việc sở giao dịch được giữ lại một phần lợi nhuận để phân bổ vào quỹ đầu tư phát triển là cần thiết.

Tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền đầu tư vào thiết bị tin học cho dự án xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM  đến cuối năm 2020 xấp xỉ 343 tỷ đồng. Riêng trong năm 2020, HoSE đã giải ngân thêm 125 tỷ đồng vào dự án này. Ngoài ra, sở còn chi gần 500 triệu đồng để mua sắm 8 máy chủ phiến, thiết bị lưu trữ và bản quyền phần mềm. Trong khi đó, HNX lại không có nhiều khoản đầu tư đáng kể được ghi nhận.

Khoản đầu tư cho mua sắm thiết bị và xây dựng cơ bản dở dang của HoSE đến cuối năm 2020 là hơn 343 tỷ đồng. HoSE đang để sẵn lượng tiền mặt hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài bởi giảm tỷ trọng tiền gửi ngân hàng, HoSE còn đang giữ hơn 1.000 tỷ đồng là khoản phải trả cho tổ chức phát hành. Thời điểm cuối năm trước, số tiền phải trả trên chỉ khoảng 284 tỷ đồng. 

Dự án công nghệ thông tin KRX đặc biệt trở nên cấp bách khi sàn HoSE rơi vào tình trạng quá tải khi số lượng các lệnh, kèm đó là dòng tiền lớn ồ ạt vào thị trường. Năm 2020 do dịch bùng phát nên nhà thầu Hàn Quốc chưa thể sang Việt Nam thực hiện công việc theo kế hoạch. Bằng nhiều biện pháp như tăng lô và gần đây nhất là có những sửa đổi về kỹ thuật để nới giới hạn số lượng lệnh đặt của HoSE, đồng thời, thanh khoản nhiều phiên không còn quá nóng như trước, tình trạng “nghẽn lệnh” đã giảm bớt phần nào. Dù vậy, trong phiên giao dịch 20/5 và cả phiên hôm nay (21/5), các nhà đầu tư lại gặp khó  khi muốn giao dịch ở  nửa cuối phiên chiều. HoSE chưa có thêm cập nhật liên quan đến câu chuyện nghẽn lệnh này.    

Tin liên quan
Tin khác