HSBC nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục. |
Theo báo cáo của Ngân hàng HSBC, dữ liệu kinh tế của Việt Nam trong tháng 2 có thể gây nhiều câu hỏi về sự phục hồi thương mại, nhưng điều này hoàn toàn do ảnh hưởng từ các biến động liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Trong khi xuất khẩu tháng 2 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, gần với dự báo của HSBC (-5,7%), tổng kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm thực tế đã tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệu ứng cơ sở cũng là một phần nguyên nhân vì tình trạng suy giảm thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ quý IV/2022.
HSBC cho hay, nếu nhìn ra phạm vi rộng hơn, dữ liệu tích cực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và ổn định trong thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang diễn ra trên diện rộng, với sự cải thiện nhẹ ở các lĩnh vực như dệt may và da giày cũng như máy móc.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia tại HSBC cho rằng,l các chỉ số chính trong lĩnh vực xuất khẩu đều cho thấy xu hướng phục hồi có thể tiếp tục.
Chẳng hạn, chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) sản xuất mới nhất vẫn duy trì ở mức mở rộng nhờ sản lượng tích cực và đơn hàng mới, cũng như tình hình việc làm. Đồng thời, chỉ số chênh lệch giữa đơn hàng mới và hàng tồn kho cũng cho thấy sự cải thiện vững vàng.
Mặc dù vậy, cần phải theo dõi sát sao những gián đoạn tại Biển Đỏ vì tình hình kéo dài có thể tạo áp lực lên lĩnh vực bên ngoài, đặc biệt khi Việt Nam có độ mở tương đối lớn với thị trường EU so với những quốc gia khác trong khu vực.
HSBC nhấn mạnh: “Tin tốt là tác động cho tới nay vẫn ở mức tương đối hạn chế”.
Bộ Công thương cũng khẳng định, hoạt động thương mại trong 2 tháng đầu năm 2024 là điểm sáng nổi bật khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 13,3%), trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18% và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2%, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng; có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giầy dép tăng 18,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 15%...
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024, ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 9,54 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu phục hồi là động lực cho hoạt động sản xuất. 2 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng ở 56/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.