Y tế - Sức khỏe
Hướng dẫn F0 rèn luyện sức khỏe, ứng phó với căng thẳng tinh thần
D.Ngân - 12/09/2021 16:41
Y, bác sĩ của trạm y tế lưu động cần hướng dẫn F0 rèn luyện sức khỏe, ứng phó với căng thẳng tinh thần.

Theo sổ tay hướng dẫn các nhiệm vụ của trạm y tế lưu động do Bộ Y tế ban hành, trạm y tế lưu động chịu trách nhiệm theo dõi sức khỏe của tất cả F0 trong danh sách hoặc khu vực được giao.

Y, bác sĩ của trạm y tế lưu động cần hướng dẫn F0 rèn luyện sức khỏe, ứng phó với căng thẳng tinh thần.

Bộ Y tế yêu cầu y bác sĩ của trạm y tế lưu động phải đến nhà F0 để hỗ trợ trực tiếp, trong các trường hợp: F0 có tình trạng cấp cứu cần xác định mức độ để có hướng xử trí phù hợp; không nhận được báo cáo về tình trạng sức khoẻ của F0 và không liên lạc được với F0 hoặc người chăm sóc.

Theo Bộ Y tế, khi một người mắc Covid-19 (F0), các thành viên trong gia đình có thể thấy lo âu, căng thẳng.

Về phía F0, họ có thể gặp các tình trạng căng thẳng tinh thần như:

Sợ hãi và lo lắng về sức khỏe của bản thân và người thân;

Thay đổi thói quen ngủ, khó ngủ hoặc khó tập trung;

Ăn uống kém, chán ăn;

Các bệnh mạn tính trầm trọng hơn như bệnh dạ dày, tim mạch;

Các bệnh tâm thần có thể trầm trọng hơn;

Uống rượu, hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc khác nhiều hơn;

Với 6 áp lực tinh thần mà các F0 đang phải đối diện nêu trên theo yêu cầu của Bộ Y tế y, bác sĩ của trạm y tế lưu động cần hướng dẫn F0 rèn luyện sức khỏe, ứng phó với căng thẳng tinh thần.

Ngoài được chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, F0 cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.

Một số bài tập thở, vận động gồm: Hít thở sâu hoặc thực hành thiền; vận động tại giường; bài tập giãn cơ; bài tập thể lực tăng sức bền.

Người mắc Covid-19 phải tránh thức khuya; không sử dụng rượu/bia, thuốc lá, các loại thức ăn, đồ uống có chất kích thích.

F0 cũng cần tránh xem, đọc hoặc nghe những câu chuyện, tin tức về dịch Covid-19, nhất là trên các mạng xã hội. Họ nên dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn; cố gắng thực hiện các hoạt động mà bản thân yêu thích.

"Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp", Bộ Y tế lưu ý.

Bộ Y tế nêu rõ trạm y tế lưu động phải khám bệnh, kê đơn, xử trí điều trị triệu chứng tại nhà cho F0. Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Trong hướng dẫn này, thêm một lần nữa Bộ Y tế nhấn mạnh tất cả F0 được khám, theo dõi và điều trị tại nhà chỉ là các trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các trường hợp tiên lượng nặng hoặc ca nhẹ ở người có bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được chuyển điều trị tại các cơ sở y tế có buồng bệnh hồi sức tích cực.

Bộ Y tế cho biết đến nay TP.HCM đã thiết lập gần 550 trạm y tế lưu động trên địa bàn.

Để góp phần giảm tải trong điều trị, giúp bệnh nhân mắc Covid-19 được tiếp cận y tế nhanh chóng, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM, trong đó có giải pháp cung cấp Túi thuốc an sinh “home-based care” - Túi chăm sóc F0 tại nhà.

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM, thuốc điều trị F0 tại nhà bao gồm 3 gói: A, B, C. Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và nâng cao thể trạng, dùng trong 7 ngày, gồm: Paracetamol (uống 1 viên khi sốt) và các loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin C (uống 2 lần/ngày). 

Gói thuốc B dùng trong 3 ngày bao gồm các loại thuốc kháng viêm và kháng đông, các thuốc này chỉ được dùng khi F0 cảm thấy khó thở (nhịp thở nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 95%) và chưa liên hệ được bác sĩ. Sau 3 ngày, cần có ý kiến bác sĩ về việc có dùng tiếp các thuốc này hay không.

Gói thuốc C dùng trong 5 ngày, đây là thuốc kháng virus Molnupiravir được chỉ định với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, cần có cam kết khi sử dụng thuốc.

Qua thời gian thí điểm tại TP.HCM, ngành Y tế nhận thấy đây là giải pháp tốt trong mô hình tháp điều trị 3 tầng hiện nay, với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ tử vong và chuyển nặng.

Tin liên quan
Tin khác