Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ khẳng định, mọi công việc cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng để tổ chức bầu cử vào ngày 23/5.
Diễn tập bầu cử tại khu cách ly tập trung ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Ảnh: quochoi.vn |
Bầu cử sớm rất thành công
5 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử trên cả nước, tổng rà soát công tác chuẩn bị tại Hội nghị trực tuyến với 63 các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc bầu cử sớm tại một số địa bàn, đơn vị đã rất thành công.
Trước đó, từ đầu tháng 5/2021, một số tỉnh được phép tổ chức bầu cử sớm tại một số khu vực bỏ phiếu, như Bà Rịa - Vũng Tàu bỏ phiếu sớm tại 5 khu vực bầu cử của TP. Vũng Tàu; tỉnh Khánh Hòa bỏ phiếu sớm ở thị trấn Trường Sa và hai xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây. Tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức cho 24 khu vực bỏ phiếu ở 6 xã biên giới của huyện Nam Giang vào ngày 16/5...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Quốc phòng có hơn 100 đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm ở các tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa...
Tổng hợp chung, toàn quốc có 15 tỉnh, thành phố có các khu vực bỏ phiếu được phép tiến hành bầu cử sớm, gồm Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Đắk Nông, Hậu Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, Đắk Lắk và Bạc Liêu.
Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng đã có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm việc tổ chức bầu cử ở các khu vực được tiến hành bỏ phiếu sớm đúng pháp luật, không làm lộ, lọt kết quả kiểm phiếu.
Không thuộc diện biên giới, hải đảo cần bầu cử sớm, nhưng vì diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày 18/5, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cũng đề nghị cho phép những điểm cách ly tập trung hoặc các địa phương có khu vực bị phong tỏa được phép bỏ phiếu sớm trước 1 hoặc 2 ngày, để tới ngày 23/5, chỉ tập trung trên diện rộng.
"Bắc Ninh hiện có 36 khu cách ly tập trung, chính vì vậy, nếu bỏ phiếu sớm hơn thì cũng sẽ giãn được các công việc phải tập trung cho ngày 23/5", Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan trình bày.
Đối với những khu vực có nhu cầu bầu cử sớm, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có văn bản sớm đề nghị để Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định và kịp thời hướng dẫn. Nếu có vấn đề phức tạp phát sinh, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia trả lời chung với tất cả các điểm cầu.
Chỉ có bầu cử sớm và bầu cử đúng thời gian
Đại dịch Covid-19 khiến Quốc hội phải thay đổi hình thức họp từ trực tiếp sang trực tuyến, tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cũng lần đầu tiên diễn ra trực tuyến ở khắp cả nước.
Nhưng, bỏ phiếu bầu đại biểu dân cử thì không thể trực tuyến. Mà càng gần đến ngày bầu cử dịch Covid-19 càng diễn biến phức tạp. Bởi thế, khi nghe các địa phương đang là điểm nóng của dịch báo cáo tình hình chuẩn bị bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ liên tục hỏi đi hỏi lại: “Có bầu cử thành công đúng ngày 23/5 được không?”.
“Hà Nội có quyết tâm bầu cử thành công ngày 23/5? Cả các khu vực bị phong tỏa hay giãn cách xã hội đã tập dượt rồi, có vướng mắc gì không?”, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia hỏi Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Trước đó, ông Tuấn nhấn mạnh rằng, Hà Nội có số lượng đơn vị hành chính lớn nhất cả nước, với 30 đơn vị cấp huyện và 579 đơn vị cấp xã, số lượng cử tri toàn thành phố khoảng 5,4 triệu người.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, Hà Nội là địa bàn trọng điểm, nơi các thế lực thù địch tập trung chống phá, lợi dụng dân chủ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị bầu cử.
Nhưng, trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, ông Tuấn khẳng định "không vướng gì" khi tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh.
Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng khẳng định, Thành phố sẽ tập trung triển khai quyết liệt các yêu cầu, nhiệm vụ nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống Covid-19 trong quá trình chuẩn bị và tổ chức ngày bầu cử.
Thông tin từ những điểm nóng chống dịch như Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang... đều cho thấy, còn cả núi công việc để cuộc bầu cử diễn ra đúng luật và an toàn.
32 khu cách ly tập trung, 19 khu dân cư có quyết định cách ly y tế, 51 khu dân cư đang phong tỏa và có quản lý với có gần 6.450 người, 50 người là F1, F2 đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung y tế và cách ly tại nhà. Đó là những con số được lãnh đạo Đà Nẵng cập nhật.
Nhưng, lãnh đạo thành phố sông Hàn cũng cho biết những thông tin khá ấn tượng, đó là Thành phố triển khai xét nghiệm cho tất cả khoảng 12.200 thành viên của các tổ bầu cử ở 525 điểm bầu cử. Đến trước ngày bầu cử, Đà Nẵng đảm bảo một gia đình ít nhất có một người được xét nghiệm Covid-19. Và cho đến trước ngày bầu cử, 525 điểm bầu cử trên địa bàn Thành phố đều phải diễn tập 4 phương án trong phòng, chống dịch.
Cũng là nơi Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương cho biết đã thông báo đến từng nhà, từng cử tri về phương án bỏ phiếu giãn cách để đảm bảo không lây nhiễm.
Nhưng có một khó khăn mà tỉnh không tự khắc phục được, là chi phí tăng lên rất lớn. Có những tổ bầu cử, bên cạnh hòm phiếu chính còn có tới 5 hòm phiếu phụ và người phục vụ cũng tăng lên.
Khó khăn này, cùng với nhiều đề xuất, kiến nghị khác ngay lập tức được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi âm. Ông yêu cầu khẩn trương cấp phát đủ kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương phát sinh nhiều do phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với thiên tai, bão lũ và những địa phương đặc biệt khó khăn chưa thể cân đối được ngân sách theo tinh thần có chi thì phải có cấp phát hỗ trợ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét nguồn kinh phí phù hợp để tham mưu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định sớm, tránh để vấn đề kinh phí ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Nhấn mạnh cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp của nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một sự kiện chính trị rất trọng đại của đất nước, Chủ tịch Vương Đình Huệ tiên lượng sự kiện này sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ thành công rất tốt đẹp.
"Mọi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, chúng ta chỉ có bầu cử sớm và bầu cử đúng thời gian”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết, Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo không chạy theo thành tích, tuyệt đối đảm bảo an toàn, không chạy theo thời gian để tập trung vào làm công tác phòng, chống dịch và an toàn tốt trong những ngày bầu cử. Tỉnh đã ban hành một văn bản thống nhất toàn bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như địa phương về vấn đề quy trình phòng, chống dịch và mong những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng đã tổ chức diễn tập bầu cử tại khu cách ly chia sẻ kinh nghiệm.
Liên quan công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hằng ngày, Bộ đều rà quét thông tin để đánh giá số lượng thông tin trên mạng xã hội ra sao, xu hướng thông tin thế nào, từ đó đưa ra các giải pháp. Có thể xử lý bằng cách chặn, gỡ, song quan trọng nhất là chỉ đạo các cơ quan báo chí và các hệ thống thông tin tuyên truyền kịp thời có những phản bác và không để cho người dân rơi vào những thông tin lừa đảo đó. Thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc rà quét, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những thông tin chống phá trên không gian mạng.