Đó là điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô và đóng tàu.
| ||
Công nghiệp hỗ trợ đang nổi lên là lĩnh vực hàng đầu mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư từ Nhật Bản |
Một kế hoạch hành động thực hiện Chương trình đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút xây dựng. Sẽ có những cơ chế, chính sách ưu đãi được xây dựng nhằm đảm bảo sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các ngành này.
Đó là những biện pháp, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là “cần và đủ”, bao gồm các nhóm chính sách đồng bộ liên quan đến thuế, tín dụng, thủ tục, cơ chế quản lý đầu tư, đào tạo nhân lực…, nhằm hiện thực hóa việc phát triển 6 ngành công nghiệp phụ trợ mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển, trong khi phía Nhật Bản có nhiều thế mạnh.
“Đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Nhật Bản không có nghĩa vụ phải giúp Việt Nam phát triển, do vậy, nếu cơ chế, chính sách không hấp dẫn được nhà đầu tư, thì cũng khó có thể để họ đổ vốn vào Việt Nam”, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lý giải.
Chỉ một ví dụ, đó là Việt Nam muốn Nhật Bản giúp phát triển công nghiệp ô tô, nhưng làm ô tô ở Việt Nam hiện đắt gấp nhiều lần so với ở Thái Lan. Vì thế, Việt Nam phải có nhiều ưu đãi hơn nữa để bù đắp được sự “đắt đỏ” này, thì nhà đầu tư mới đổ vốn vào đây.
“Nếu cứ nay tăng thuế, mai tăng phí, chính sách thay đổi khó lường, thì cũng sẽ rất khó để nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam”, ông Bá nói.
Ngay tự bản thân các nhà quản lý Việt Nam cũng đã nhận thấy những tồn tại cần sửa đổi trong môi trường đầu tư, huống gì các nhà đầu tư Nhật Bản - những người nổi tiếng là đòi hỏi cao, cẩn trọng và tỉ mỉ.
“Các nhà đầu tư đang rất cần nhìn thấy những quy định rõ ràng về danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô, cũng như những ưu đãi, bao gồm cả ưu đãi cho đầu tư mới và đầu tư mở rộng, để quyết định thêm các khoản đầu tư mới tại Việt Nam”, ông Nakayayma Jun, đại diện Toyota Tsusho nói.
Trong khi đó, ông Shigeaki Hashimoto, Chủ tịch Công ty TNHH Nichirin Việt Nam, có nhà máy chuyên sản xuất ống dây phanh cho ô tô và xe máy ở Bắc Giang, lại có một mối lo rất cũ: mất điện.
Chưa nói tới các vấn đề mang tính vĩ mô đang là rào cản cho các kế hoạch đầu tư mới, như hạ tầng cơ sở, chính sách ưu đãi đầu tư, những mối lo của các nhà đầu tư luôn thường trực, bởi thực tế sản xuất - kinh doanh luôn có quá nhiều vấn đề phát sinh. Từ thủ tục bán hàng vào thị trường nội địa đối với doanh nghiệp chế xuất, đến việc thời gian hoàn thuế kéo dài…
“Các công ty Nhật Bản sợ nhất là thủ tục hành chính”, ông Takashi Fujii, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam, đã có lần chia sẻ như vậy và “bày” kinh nghiệm rằng, Chính phủ cần tạo một đường dây nóng, hay thư điện tử cho nhà đầu tư Nhật làm đầu mối giải quyết việc cấp giấy phép trong thời gian nhanh nhất có thể.
“Đừng để họ so sánh rằng, nếu đầu tư ở các nước khác, họ có thể nhận giấy phép trong vòng một tuần mà không phải ‘chạy’ qua nhiều cửa”, vị giám đốc của công ty Nhật nhưng là người gốc Việt, hẳn nhiên đứng trên lợi ích của Việt Nam đã nói như vậy.
Có rất nhiều yếu tố “cần và đủ” để thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Giải quyết những vướng mắc tưởng chừng rất “bếp núc” cho nhà đầu tư cũng là cách để họ yên tâm ở lại Việt Nam. Điều này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm được với Aichi Support Desk, bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Aichi đến đầu tư tại Việt Nam. Nhưng mô hình này có lẽ cần nhân rộng ở quy mô lớn hơn.
Rõ ràng, sự hấp dẫn của Việt Nam đối với DN Nhật sẽ không chỉ đến từ những chiến lược vĩ mô, mà phải được thể hiện ngay từ những thay đổi nhỏ nhất của mỗi thủ tục hành chính, mỗi doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản.
Hà Nguyễn