Trên thị trường quốc tế, giá vàng trong tuần qua (9/12 - 15/12/2024) đã có thời điểm vượt mốc 2.700 USD/ounce khi nhu cầu trú ẩn an toàn trước những bất ổn kinh tế toàn cầu thúc đẩy lực cầu đối với kim loại quý này. Dù đây đã là lần thứ hai vàng chinh phục ngưỡng tâm lý này trong tháng, giá vàng tiếp tục quay đầu. Nguyên nhân chính bởi sự mạnh lên của đồng USD. Kết thúc tuần, giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức lên 2.647 USD/ounce, nhích nhẹ so với cuối tuần trước.
Diễn biến giá vàng quốc tế trong tuần qua |
Tại Việt Nam, giá vàng cũng có diễn biến khá tương tự, sau điều chỉnh chỉ còn tăng nhẹ trong tuần qua. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều, lên 83,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 86,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn cũng ghi nhận xu hướng tương tự với hầu hết các hãng vàng nâng giá hai chiều thêm gần 1 triệu đồng mỗi lượng. Tại Bảo tín Minh Châu, vàng nhẫn tròn trơn được mua ở mức 83,68 triệu đồng/lượng và bán ra tại 85,43 triệu đồng/lượng.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng từ 105,97 điểm cuối tuần trước lên 106,94 điểm. Có thời điểm chỉ số đo sức mạnh của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền mạnh đã vượt 107 điểm - mức cao nhất trong hơn hai tuần. Sự hồi phục của đồng USD trong tuần qua diễn ra khi loạt ngân hàng trung ương lớn tuần trước vừa có những bước đi đáng chú ýtrong lộ trình cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong gần một thập kỷ, từ 1,0% xuống còn 0,5% trong bối cảnh áp lực lạm phát cơ bản đã giảm trở lại trong quý này, Với lạm phát hàng năm giảm từ mức 1,1% vào tháng 8 xuống 0,7% vào tháng 11, lạm phát vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 0-2% của SNB. Cùng đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Ngay trong tuần, đồng Franc Thụy Sĩ mất giá xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/11, còn khoảng 0,89 Franc đổi 1 USD. Đồng euro cũng đã giảm xuống dưới 1,05 USD đổi 1 EUR, tiến gần đến mức thấp nhất trong hai năm.
Tuần tới, thêm nhiều biến số có thể tác động đến sức mạnh của đồng USD. Các quyết định lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn như Fed, BoE (Anh), và BoJ (Nhật Bản) sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường. Trong đó, giới đầu tư đặt cược nhiều nhất vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được kỳ vọng giữ nguyên lãi suất sau đợt cắt giảm vào tháng 11, trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Điển và Na Uy cũng chuẩn bị công bố chính sách lãi suất.
Ở châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ họp ngay sau Fed. Dù thị trường kỳ vọng BoJ giữ nguyên lãi suất, theo nhiều chuyên gia, áp lực từ lạm phát gia tăng có thể khiến ngân hàng trung ương này điều chỉnh hướng đi.
Cũng ngay trong tuần, trước khi các quyết định được công bố chính tức, các dữ liệu kinh tế quan trọng tại Mỹ như báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và GDP sẽ cung cấp thêm cái nhìn về triển vọng kinh tế. PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - dự kiến cho thấy chi tiêu cá nhân tăng 0,5%, trong khi thu nhập cá nhân tăng chậm hơn ở mức 0,4%. Dữ liệu này cùng với chỉ số giá sản xuất (PPI) và giá tiêu dùng sẽ cung cấp những tín hiệu quan trọng về hướng đi của chính sách tiền tệ Mỹ trong năm 2025. Ở châu Âu, Eurozone sẽ công bố dữ liệu lạm phát cuối cùng cho tháng 11. Dữ liệu lạm phát của Anh sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt sau những biện pháp cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Ngoài các biến số kinh tế, rủi ro địa chính trị có thể mang đến những bất ngờ như tình hình xung đột địa chính trị với các cuộc căng thẳng tại Nga-Ukraine, Trung Đông, chính phủ mới tại Syria... Mới nhất, ngay trong cuối tuần, vào ngày 14/12, quốc hội Hàn Quốc tổ chức phiên họp toàn thể bỏ phiếu về kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol liên quan vụ thiết quân luật, theo hãng thông tấn Yonhap.Tổng thống Hàn Quốc bị đình chỉ công việc ngay lập tức. Theo luật, Thủ tướng Han Duck-soo trở thành quyền Tổng thống, thay ông Yoon lãnh đạo đất nước.