Kết thúc ngày 12/12/2024, giá vàng trong nước và quốc tế đồng loạt ghi nhận xu hướng giảm. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng giảm xuống còn 83,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 86,4 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 900.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua. Giá vàng miếng SJC tại các hãng vàng khác cũng ghi nhận diễn biến tương tự, trong đó, thương hiệu Vàng Mi Hồng chấp nhận thu mua với giá 84,5 triệu đồng/lượng, mức cao hơn so với nhiều đơn vị khác.
Tương tự, giá vàng nhẫn điều chỉnh giảm nhẹ. Như tại Bảo tín Minh Châu, mức thu mua đã giảm xuống còn 84,08 triệu đồng/lượng và giá bán ra còn 85,83 triệu đồng/lượng, giảm 330.000 đồng mỗi lượng.
Diễn biến giá vàng trong nước những ngày gần đây - Nguồn: Bảo tín Minh Châu |
Xu hướng thị trường trong nước chịu ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh của giá vàng thế giới trước sự hồi phục mạnh mẽ của đồng đôla. Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay giảm từ 2.710 USD/ounce xuống còn 2.687 USD/ounce, mất 23 USD trong một phiên. Các động thái chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn đã tác động đến chỉ số US Dollar Index (DXY). Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) bất ngờ cắt giảm lãi suất mạnh nhất trong gần một thập kỷ, từ 1,0% xuống còn 0,5%. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Thụy Sĩ yếu hơn dự kiến và rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Đây cũng là lần cắt giảm thứ tư trong chu kỳ hạ lãi suất hiện tại. Động thái cắt giảm này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục hạ nhiệt. Hội đồng Thống đốc ECB đã bỏ tuyên bố trước đây, khi cho rằng lãi suất cần phải "duy trì ở mức hạn chế" để hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng. Trong khi đó, ECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực với mức giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 0,7% và giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 1,1% so với lần dự báo trước. Các con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ, tạo thêm áp lực cho đồng euro. Chưa kể, đồng euro cũng chịu áp lực từ tình trạng bất ổn chính trị tại Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực. Tại Pháp, giới đầu tư đang thận trọng trước sự không chắc chắn về chính sách và những thay đổi trong nội các. Trong khi các cuộc đàm phán chính trị liên quan đến ngân sách và cải cách tài khóa tại Đức tiếp tục làm gia tăng lo ngại.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.264 VND/USD, tăng 5 VND/USD so với ngày hôm qua. Tại Vietcombank, tỷ giá mua vào chuyển khoản duy trì ở mức 25.171 VND/USD, trong khi tỷ giá bán ra giữ ở mức 25.471 VND/USD, tăng nhỉnh hơn (6VND/USD) so với hôm qua.
Dù chịu áp lực từ sự hồi phục của đồng đôla, giới đầu tư vàng vẫn có một năm "bội thu" khi kim loại quý này đã tăng giá mạnh trên 30% đến từ động lực mua của các ngân hàng trung ương như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Chia sẻ tại Hội thảo chủ đề "Đầu tư 2025: Giải mã biến số- Nhận diện cơ hội" do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Trịnh Hà - Chuyên gia chiến lược Exness Investment Bank cho rằng lực mua vàng của các ngân hàng trung ương chiếm 20% tổng nhu cầu vàng toàn thị trường năm 2023. Tuy nhiên, đến quý III/2024 tỷ lệ này chỉ còn 8%, điển hình Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dừng mua cho đến tháng 11/2024 mới quay lại mua.
Theo chuyên gia Exness Investment Bank, nguyên nhân mua vào là do tâm lý tránh phụ thuộc vào đồng USD, nhưng thời gian tới động lực này sẽ yếu đi, lượng mua về 8-10% tổng nhu cầu vàng thực. Dòng tiền ETF vào vàng khi bất ổn chính trị, nhưng khi bất ổn giảm dần, kết hợp với nền kinh tế thế giới, đặc biệt Mỹ hạ cánh an toàn, dòng tiền không tìm đến tài sản rủi ro như vàng mà dịch chuyển sang tài sản có độ rủi ro cao hơn."Trong dài hạn, chính sách ông Donald Trump tác động đến nền kinh tế Mỹ ra sao là vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Nếu lạm phát tăng mạnh, FED tăng lãi suất, có rủi ro suy thoái kinh tế, nhà đầu tư sẽ quay vào vàng", ông Hà nhấn mạnh thêm.