Đường cất hạ cánh bằng ván thép không sử dụng từ nhiều năm nay tại sân bay Nà Sản. |
Đầu tư sớm
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Sơn La về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP.
Điểm nhấn quan trọng nhất trong công văn này là việc cơ quan quản lý nhà nước về GTVT ủng hộ chủ trương kêu gọi các nguồn lực để đầu tư Cảng hàng không Nà Sản, trong đó có việc huy động từ phương thức PPP.
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trước nhu cầu lớn về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và cảng hàng không nói riêng, Bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư đối với từng nhóm cảng hàng không trong hệ thống cảng hàng không của Việt Nam.
Cụ thể, tại Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không đang được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không Nà Sản thuộc nhóm cảng hàng không ở vùng núi, hải đảo, khả năng cân đối nguồn thu - chi khó khăn và có công suất quy hoạch dưới 5 triệu hành khách/năm. Nhóm cảng hàng không này được Bộ GTVT định hướng chuyển giao các công trình kết cấu hạ tầng cho địa phương để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.
“Sau khi Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La cần chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Cảng hàng không Nà Sản”, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.
Giữa tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng và giao UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2020 - 2025.
Theo UBND tỉnh Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản có vai trò quan trọng trong mạng sân bay chính của khu vực Tây Bắc, đồng thời là sân bay chính trong mạng sân bay quân sự quốc gia (sân bay tuyến số 2). Bên cạnh đó, cảng hàng không này còn được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nên cần được đầu tư sớm.
“Để đảm bảo tính khả thi, UBND tỉnh Sơn La sẽ cân đối, bố trí khoảng 300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thúc đẩy công tác thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án”, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định.
ACV rút lui
Cần phải nói thêm rằng, việc xã hội hóa đầu tư đang là cửa duy nhất để UBND tỉnh Sơn La có thể khởi động sớm Dự án Cảng hàng không Nà Sản.
Vào tháng 7/2019, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang được giao quản lý Cảng hàng không Nà Sản đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng Cảng hàng không Nà Sản - Sơn La.
Theo đó, ACV đề xuất sẽ đầu tư đường cất hạ cánh mới, kích thước 2.600 x 45 m, kết cấu bê tông xi măng, đảm bảo đón được máy bay A320/321 hoặc tương đương; hệ thống đường lăn, sân đỗ; tín hiệu dẫn đường, khí tượng đồng bộ. Đối với khu hàng không dân dụng, ACV đề xuất xây dựng nhà ga dạng tuyến tính có diện tích 8.365 m2, đáp ứng công suất 1 triệu hành khách/năm đủ bố trí các khu vực chức năng theo tiêu chuẩn và các khu vực kinh doanh dịch vụ, phục vụ hành khách; nhà điều hành cảng 3 tầng, tổng diện tích 2.817 m2.
Dự án có khái toán tổng mức đầu tư 2.295 tỷ đồng này sẽ được ACV đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn doanh nghiệp, với thời gian triển khai là trong giai đoạn 2020 - 2025.
Tuy nhiên, đến tháng 3/2022, ACV đã báo cáo Bộ GTVT về rà soát, khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đối với công trình thiết yếu tại các cảng hàng không do ACV đang quản lý khai thác. Trong đó, đối với Dự án Xây dựng Cảng hàng không Nà Sản, ACV chưa có kế hoạch thực hiện đầu tư trong giai đoạn này và đề nghị Bộ GTVT xem xét đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định.
“Do dịch Covid-19 dẫn đến doanh thu, lợi nhuận bị giảm sút, nên ACV sẽ chỉ ưu tiên nguồn lực để thực hiện 6 dự án trọng điểm gồm: sân bay Long Thành giai đoạn I; nhà ga T3 Tân Sơn Nhất; mở rộng nhà ga T2 Nội Bài; nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Phú Bài; đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên; nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay sân bay Cát Bi”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV thông tin.
Trên thực tế, sự rút lui của ACV tại Dự án Xây dựng Cảng hàng không Nà Sản không phải là trở ngại quá lớn, thậm chí còn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân khác tham gia.
Khoản 1, Điều 48, Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định: “Doanh nghiệp cảng hàng không có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu. Trường hợp doanh nghiệp cảng hàng không không có khả năng đầu tư theo kế hoạch phát triển cảng hàng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ GTVT đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật”.
Theo UBND tỉnh Sơn La, thời gian vừa qua, địa phương này đã xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản. Hiện nay, đã có các nhà đầu tư như: Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC… quan tâm nghiên cứu đầu tư Dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
“Khu vực Cảng hàng không Nà Sản đã được cắm mốc giới theo quy hoạch chi tiết được duyệt và cập nhật vào quy hoạch hoạch sử dụng đất của tỉnh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân vào triển khai sau khi chủ trương đầu tư theo hình thức PPP được cấp có thẩm quyền chấp thuận”, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La thông tin.
Theo hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ, Cảng hàng không Nà Sản được quy hoạch với công suất khoảng 1 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 2 triệu lượt hành khách/năm.