Một công nhân tại một cơ sở sản xuất dầu thuộc sở hữu của Parsley Energy ở lưu vực Permian gần Midland, Texas, ngày 23/8/2018. Nguồn ảnh: Reuters |
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) kỳ vọng Mỹ sẽ thách thức vị trí nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới của Ả Rập Saudi.
“Sự bùng nổ dầu đá phiến giúp Mỹ nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và có lúc vượt qua Ả Rập Saudi, để trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới”, IEA cho biết trong báo cáo hàng tháng ngày 12/9.
Mỹ vượt Ả Rập Saudi để trở thành nước xuất khẩu dầu nhiều nhất thế giới sau khi xuất khẩu dầu thô của nước này tăng trên 3 triệu thùng/ngày, IEA cho biết ngày 12/9. Điều đó đã nâng tổng xuất khẩu dầu thô và sản phẩm tinh chế của Mỹ lên gần 9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi cắt giảm cả xuất khẩu dầu thô lẫn sản phẩm tinh chế. Nước dẫn đầu OPEC đã giành lại vị trí số 1 vào tháng 7 và tháng 8, vì sản xuất dầu tại Mỹ bị gián đoạn do ảnh hưởng của các cơn bão. Thương chiến đang diễn ra cũng khiến dầu đá phiến Mỹ gặp khó trong việc tìm kiếm thị trường trong những tháng gần đây, IEA cho biết.
Báo cáo hàng tháng của cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris xuất hiện vào thời điểm, Mỹ muốn giành vị thế thống trị trên thị trường năng lượng, bất kể điều gì xảy ra với giá dầu.
Phát biểu với CNBC tại Abu Dhabi ngày 9/9, ông Dan Brouillette, Thứ trưởng Năng lượng Mỹ, cho biết Tổng thống Donald Trump “thường nói về việc Mỹ thống trị ngành năng lượng”.
"Thế giới đặt câu hỏi điều đó có nghĩa là gì? Rất đơn giản, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ sản xuất năng lượng nhiều nhất có thể, sạch nhất có thể, và với mức giá rẻ nhất có thể", ông Dan Brouilette nói.
Trong thập kỷ qua, Mỹ đã tăng gấp đôi sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng/ngày, khiến nước này trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Có vẻ như trong thời gian tới, dầu Mỹ sẽ tiếp tục tràn ngập thị trường, gây áp lực giảm giá lên loại hàng hóa này vào thời điểm thị trường đang phải đối phó với việc dư cung.
Giá dầu WTI. Ảnh: Business Insider. |
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 61,05 USD/thùng vào sáng ngày 12/9, tăng khoảng 0,4%, trong khi giá dầu WTI (tại Mỹ) đứng ở mức 56,04 USD, tăng hơn 0,5%. Giá dầu Brent tương lai đã giảm hơn 18% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 4, và dầu WTI giảm hơn 15% so với cùng kỳ.
IEA cho biết, trong 3 tháng cuối năm, năng lực xuất khẩu dầu thô của Mỹ có thể tăng lên 4 triệu thùng/ngày, sau khi hoàn thành thêm các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xuất khẩu này.
"Với việc sản xuất đang tăng lên mạnh mẽ, câu hỏi đặt ra là liệu giá dầu xuất khẩu của Mỹ có đủ hấp dẫn để chiếm lĩnh thị trường quốc tế hay không?", IEA cho biết thêm.