IFC là một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới |
Hoạt động đầu tư này của IFC được thực hiện cùng Quỹ Phát triển các Định chế Tài chính của IFC và Quỹ Châu Á Mới Nổi của IFC. Đây là hai quỹ do Công ty Quản lý Tài sản IFC (AMC) quản lý, giá trị đầu tư 65 triệu USD.
IFC cho biết, mặc dù khu vực này đang có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng các công ty trong khu vực vẫn phải đối mặt với một số thách thức.
Tại một số thị trường, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nợ xấu trong số các công ty sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính tăng cao và bong bóng nợ xấu đã chặn dòng vốn của khối ngân hàng. Kết quả là, các công ty gặp khó khăn về tài chính không thể tiếp cận được các nguồn tín dụng nhằm vực dậy và tái thiết lập hoạt động vận hành.
Thông qua Chương trình Khôi phục Giá trị cho Tài sản Xấu (Distressed Assets Recovery Program - DARP), IFC làm việc với các đối tác nhằm xây dựng các nền tảng mang tính khu vực và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức đầu tư vào các tài sản đang bị phân loại là tài sản xấu.
Khoản đầu tư này của IFC sẽ giúp Altus xây dựng một chương trình hỗ trợ tài chính cho khu vực nhằm đầu tư vào Philippines, Thái Lan, Indonesia, và Việt Nam. Trong số đó, Indonesia và Việt Nam là hai thị trường còn non trẻ đối với hoạt động khôi phục giá trị cho các tài sản xấu. Với khoản đầu tư trên, IFC và AMC mong muốn hỗ trợ cho thị trường này, một loại hình thị trường đang ngày càng phát triển và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Ông Pawan Gidwani, Tổng Giám đốc Altus Capital cho biết, Altus hi vọng sẽ đóng một vai trò tích cực trên cả hai cương vị, vừa là nhà đầu tư chủ động vừa là nhà quản lý tài sản trong khu vực đang chứng kiến sự tăng trưởng này.
Quỹ Altus Special Situations Asia 1 LP sẽ có tới 272,5 triệu USD vốn lưu động có thể dùng để triển khai các hoạt động đầu tư. IFC, Quỹ Phát triển các Định chế Tài chính của IFC, và Quỹ Châu Á Mới Nổi của IFC sẽ góp vốn với các mức tương ứng là 15 triệu USD, 25 triệu USD, và 25 triệu USD. Công ty Altus Capital sẽ đóng góp 7,5 triệu USD.
Ông Vivek Pathak, Giám đốc IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, khoản hỗ trợ của IFC chắc chắn sẽ thúc đẩy quá trình hình thành một thị trường rộng lớn hơn cho việc xử lý các tài sản xấu thông qua xây dựng một nền tảng mang tính khu vực. Đây sẽ là nền tảng giúp huy động nguồn vốn khu vực và quốc tế vốn rất cần thiết để vực dậy các công ty đang gặp khó khăn về tài chính.