Đây là dự án năng lượng đầu tiên của hai tổ chức này tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ chiến lược của các bên nhằm mở rộng danh mục đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, tăng cường hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế, tạo cơ sở phát triển các dạng năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời.
Mức vốn đầu tư của IFC và Armstrong trong thỏa thuận này lần lượt tương ứng với 16% và 20% vốn chủ sở hữu của GEC - đơn vị chủ lực ngành năng lượng của Tập đoàn TTC, hiện đang dẫn đầu về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung Tây Nguyên với 15 nhà máy, tổng công suất đạt 84 MW.
. |
Chia sẻ về sự kiện, ông Lê An Khang, thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc GEC cho biết: “Hợp tác chiến lược với IFC và Armstrong thể hiện uy tín và năng lực của GEC cũng như TTC khi đáp ứng toàn diện các điều kiện hợp tác theo chuẩn mực quốc tế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tư cách là cổ đông chiến lược, sự hỗ trợ của IFC và Armstrong không những tạo điều kiện cho GEC mở rộng lĩnh vực kinh doanh chủ lực là thuỷ điện mà còn đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch, cung cấp nguồn năng lượng bền vững thay thế nguồn điện năng từ nhiên liệu hoá thạch tại Việt Nam.”
Những năm gần đây, mức tăng trưởng tiêu thụ điện năng tại Việt Nam luôn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội. Các dự án phát triển năng lượng tái tạo của GEC sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu gia tăng sản lượng điện lên 14%/năm trong giai đoạn 2015-2030 của Chính phủ. “Chúng tôi tin rằng GEC có vị thế tốt để nắm bắt được tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thông qua việc phát triển thủy điện bền vững và các nguồn năng lượng tái tạo khác, việc hợp tác chiến lược này không chỉ giúp GEC đáp ứng đủ mức tăng 10% nhu cầu sử dụng điện hàng năm tại Việt Nam, mà còn đa dạng hoá các nguồn năng lượng đồng thời giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch phải nhập khẩu”, ông Andrew Affleck, Chủ tịch Điều hành của Armstrong khẳng định.
Ông Hyun-Chan Cho, Giám đốc khối cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo của IFC khu vực, châu Á cho biết, với tỉ lệ đầu tư của khối ngoại trong lĩnh vực năng lượng còn tương đối khiêm tốn, ITF cho rằng, chiến lược đầu tư của IFC là một bước tiến quan trọng thúc đẩy cộng đồng đầu tư quốc tế tham gia vào ngành năng lượng xanh đầy tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến thức về ngành năng lượng toàn cầu của IFC còn tạo cơ hội để GEC trở thành một nhà phát triển năng lượng tái tạo kiểu mẫu tại Việt Nam thông qua việc áp dụng những chuẩn mực tối ưu trong ngành, đồng thời góp phần mở rộng nguồn cung năng lượng sạch và đáng tin cậy. Hiện nay thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới, chiếm 1/5 tổng nguồn cung năng lượng toàn cầu. Trong suốt thập niên vừa qua, IFC đã đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ vào 75 dự án thủy điện tại 25 quốc gia trên toàn thế giới nhằm phát huy hơn nữa việc phát triển thủy điện một cách bền vững và có trách nhiệm ở các nước đang phát triển.
IFC, thành viên của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Hỗ trợ hơn 2.000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng lớn, IFC đã và đang tạo ra những cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2015, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt gần 18 tỷ đô la Mỹ, cùng các khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo và thúc đẩy thịnh vượng chung. Armstrong là một quỹ đầu tư tư nhân tại Singapore, chuyên tập trung phát triển năng lượng sạch tại các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á. Được điều hành bởi đội ngũ quản lý đa quốc gia với bề dày kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn phát triển và đầu tư trên 50 dự án năng lượng tái tạo trên thế giới, đến nay, Armstrong sở hữu tài sản đang vận hành có quy mô công suất 92MW, chưa bao gồm tổng công suất trên 300MW của các dự án đang trong giai đoạn triển khai.
Còn GEC hiện đang dẫn đầu về quy mô thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực miền Trung Tây Nguyên Việt Nam với kinh nghiệm 27 năm trong ngành. Tiền thân của GEC là Công ty Thủy điện Gia Lai - Kon Tum, ra đời năm 1989, được tiến hành cổ phần hóa năm 2010. Năm 2013, GEC gia nhập Tập đoàn TTC – Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, nông sản, giáo dục và du lịch với tổng vốn điều lệ trên 11.300 tỉ đồng. Năm 2015, tổng vốn điều lệ của GEC đạt 745 tỉ đồng (khoảng 34 triệu đô la Mỹ), gấp 3 lần mức vốn năm 2011. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong các tổ chức dẫn đầu cả nước về đầu tư thủy điện và các dạng năng lượng tái tạo.