Trụ sở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ngày 22/7, IMF cho biết, những cải cách này được thiết lập để đảm bảo rằng định chế tài chính này có khả năng đáp ứng linh hoạt các nhu cầu của LIC trong trung hạn, đồng thời tiếp tục cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất bằng 0%.
Trọng tâm của các cải cách chính sách đã được ban điều hành IMF thông qua vào tuần trước là việc tăng 45% giới hạn thông thường về khả năng tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi của nhóm LIC, cùng với việc loại bỏ các hạn chế về khả năng tiếp cận đối với các nước nghèo nhất.
Phó Giám đốc bộ phận đánh giá và chính sách chiến lược của IMF Sean Nolan nói rằng, quyết định nâng giới hạn tiếp cận không phải nhằm mục đích cho vay nhiều hơn đối với tất cả các chương trình của IMF. Theo ông Nolan, động thái này chỉ tạo sự linh hoạt để cung cấp thêm nguồn tài chính không lãi suất cho các quốc gia đối phó với đại dịch và hướng tới phục hồi hoàn toàn nền kinh tế.
Ban điều hành IMF cũng đã thông qua chiến lược tài trợ gồm hai giai đoạn để trang trải chi phí cho vay ưu đãi liên quan đến đại dịch và hỗ trợ tính bền vững của Quỹ hỗ trợ phát triển và xóa đói giảm nghèo (PRGT), được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu đa dạng của các quốc gia có thu nhập thấp.
Trong giai đoạn đầu, IMF sẽ tìm cách đảm bảo khoảng 4 tỷ USD nguồn trợ cấp cần thiết để tài trợ cho khoản cho vay không lãi suất từ PRGT. Trong khi đó, IMF sẽ tìm cách huy động khoảng 18 tỷ USD nguồn vốn cho vay PRGT mới từ các bên cho vay.
Động thái này được đưa ra giữ bối cảnh nhu cầu từ các nước thu nhập thấp đối với các gói hỗ trợ tài chính của IMF dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong vài năm tới.
IMF đã hỗ trợ tài chính cho 53 trong số 69 quốc gia có thu nhập thấp đủ điều kiện vào năm 2020 và trong nửa đầu năm 2021, với khoảng 14 tỷ USD được giải ngân dưới dạng các khoản vay lãi suất 0% từ PRGT.