IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay xuống 7,4%. Ảnh: Bloomberg |
Động thái của IMF phản ánh sự suy yếu đầu năm của Mỹ và triển vọng ảm đạm của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong khi đó báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vẫn giữ nguyên mức dự báo 4% cho năm 2015.
Olivier Blanchard - kinh tế trưởng tại IMF cho biết: "Thế giới đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn còn yếu, thực sự là yếu hơn dự báo của chúng tôi hồi tháng 4". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận đợt điều chỉnh này "khiến mọi thứ tồi tệ hơn thực tế, do chủ yếu phản ánh những việc đã xảy ra rồi".
Mỹ tăng trưởng âm trong quý I. Nguyên nhân là thời tiết khắc nghiệt và hàng tồn kho lớn hơn dự kiến. Năm nay, nền kinh tế số một thế giới được dự đoán tăng trưởng 1,7%, giảm tới 1,1% dự báo tháng 4.
Một số nền kinh tế mới nổi cũng bị hạ triển vọng, mạnh nhất là Nga, để phản ánh “căng thẳng địa chính trị”. Theo IMF, GDP Nga năm nay có thể chỉ tăng 0,2%, giảm mạnh so với dự báo lần trước là 1,3%.
Tăng trưởng tại Trung Quốc cũng gây thất vọng khi nước này áp dụng nhiều chính sách kiềm chế tín dụng và bất động sản. Kinh tế nước này cũng bị ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài yếu và tăng trưởng đầu tư thấp hơn dự kiến. Năm nay, Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 7,4%, giảm 0,2% so với dự báo trước.
Triển vọng của Brazil cũng yếu đi đáng kể, do niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng đi xuống. Nước này được dự báo tăng trưởng 1,3% năm nay.
Dù vậy, thế giới vẫn có nhiều điểm sáng, điển hình là Anh. Nước này được nâng dự báo từ 2,8% lên 3,2% năm nay.
Tây Ban Nha - một trong những trung tâm của khủng hoảng nợ công châu Âu cũng được đánh giá lạc quan. GDP nước này năm nay và năm tới được dự báo tăng lần lượt 0,3% và 0,6%. Dù vậy, những số liệu này vẫn còn kém xa thời kỳ trước khủng hoảng.
Khu vực ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) bị hạ tăng trưởng năm nay xuống 4,6%, từ 5% trước đó. Tuy nhiên, GDP năm sau lại nhích 0,2% lên 5,6%.
Cũng trong báo cáo, IMF nhận định kinh tế thế giới vẫn còn nhiều thách thức. Rủi ro địa chính trị đang tăng lên do tình hình tại Ukraine chưa được giải quyết và xung đột mới lại nảy sinh tại Trung Đông.
Thị trường tài chính cũng có thể bất ổn nếu nhà đầu tư tăng rút vốn và chi phí rủi ro nhích lên khi lãi suất dài hạn tại Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến. Rủi ro cũng bao gồm tăng trưởng thấp kéo dài do nhu cầu tại các nước phát triển không đủ mạnh, hoặc thị trường tài chính các nước mới nổi bất ổn. Đầu tư vào một số nước có thể còn yếu trong thời gian dài.
IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ Trong bản báo cáo hàng năm về nền kinh tế Mỹ vừa được công bố hôm 16/6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo về tốc độ tăng trưởng của Mỹ trong năm 2014 và các năm tới. |
Hà Thu (Vnexpress)