Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 8/5, Phó Chủ tịch AIIB DJ Pandian cho biết lượt giải ngân đầu tiên của khoản vay trên lên tới 250 triệu USD sẽ được thực hiện trong khuôn khổ một chương trình đồng tài trợ với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) có tổng trị giá 750 triệu USD.
AIIB cũng đang lên kế hoạch cung cấp các khoản vay khác trị giá 750 triệu USD cho các chương trình cứu trợ kinh tế và an sinh xã hội của Indonesia, trong khuôn khổ một chương trình đồng tài trợ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với tổng mức cam kết lên tới 1,5 tỷ USD.
Indonesia - quốc gia đã ghi nhận hơn 13.000 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tính đến ngày 8/5 - đã yêu cầu khoản vay này nhằm tài trợ cho các nỗ lực tăng cường hệ thống y tế, nâng cao khả năng ứng phó và xét nghiệm COVID-19.
AIIB mới đây dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia sẽ nằm dưới mức 1% trong năm nay trước khi phục hồi vào năm 2021, giảm mạnh so với mức dự báo ban đầu là 6%.
Theo ông Pandian, AIIB kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ phục hồi vào năm tới nhờ các động thái chủ động của chính phủ trong việc trợ giúp các nhóm dễ bị tổn thương và bơm thanh khoản vào thị trường.
Trong khi đó, hãng đánh giá tín dụng Fitch đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia trong năm 2020 từ mức 2,8% xuống còn 1,3% do khả năng kinh tế phục hồi chậm và lệnh phong tỏa kéo dài.
Fitch nhận định nền kinh tế Indonesia đang hướng tới suy thoái và quốc gia này vẫn ở giai đoạn đầu phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong khi việc hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng đầu tư.
Theo Fitch, sự suy giảm mạnh trong quý I cho thấy nền kinh tế của Indonesia sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay do các số liệu quý 1 không phản ánh hết tác động của đại dịch COVID-19.
Chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm gần 60% nền kinh tế Indonesia - được dự báo sẽ giảm 1,5% trong năm nay, giảm so với mức tăng 1,2% trước đó.
Fitch cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng đầu tư trong năm nay từ mức 1,5% trước đó xuống -2,5% trong bối cảnh Chính phủ Indonesia vừa quyết định hoãn nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong đó có dự án phát triển thủ đô mới.
Tuy nhiên, Fitch cũng cho rằng thặng dư xuất khẩu và tăng chi tiêu chính phủ có thể tạo ra bộ đệm cho tăng trưởng kinh tế của Indonesia năm nay.
Trước đó, Chính phủ Indonesia dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ đạt 2,3% theo kịch bản cơ bản, yếu nhất trong 21 năm qua, hoặc giảm xuống 0,4% theo kịch bản xấu.
Tuy nhiên, hôm 6/5 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2020 xuống còn 2,3% với giả định tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống còn 0,4% trong quý 2 này, trước khi tăng nhẹ lên 1,2% trong quý 3 và 3,1% trong quý 4 tới.