Doanh nghiệp
K-Mart len chân lên “mặt tiền” phân khúc bán lẻ
Hải Yến - 10/01/2017 08:28
Thương hiệu Việt, nhưng dấu ấn Hàn Quốc K-Mart hay K-Market hẳn đang muốn “ra mặt tiền” khi công khai chiến lược mở 100 cửa hàng vào năm 2020. Nhưng, trong phân khúc cửa hàng tiện lợi, ưu thế vẫn thuộc về các cửa hàng mặt phố, vậy nên, K-Mart không dễ đi nhanh.
TIN LIÊN QUAN

K-Mart của ai?

Xuất hiện lần đầu tại Hà Nội vào năm 2006 với những đặc trưng Hàn Quốc nổi trội, K-Mart nhắm vào đối tượng chính là cộng đồng người Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Song, không như nhiều người lầm tưởng, đây là thương hiệu thuần Việt, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu, một doanh nghiệp Việt Nam. Dấu ấn Hàn có thể là sự hậu thuẫn của ông Ko Sang Goo, Chủ tịch Hội người Hàn Quốc tại Hà Nội, là tư vấn sáng lập Công ty.

.

“Mục tiêu đầu tiên của K-Mart là trở thành điểm đến tin cậy cho cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam. Mô hình chúng tôi lựa chọn là cửa hàng bán lẻ tiện lợi. Nhưng chúng tôi cũng là nhà cung cấp hàng hóa cho các đối tác bán lẻ lớn như AEON, BigC, Lotte…, chứ không chỉ là một cửa hàng bán lẻ”, bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Công ty TNHH K&K Toàn Cầu cho biết.

K&K là đơn vị nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc về Việt Nam, phân phối cho các siêu thị và trực tiếp bán nội bộ trong chuỗi K- Mart, với khoảng 3.000 mặt hàng.

Nhưng sau 10 năm hoạt động, K-Mart đã phát triển rộng hơn những gì mà người sáng lập dự tính, với 60 cửa hàng khắp Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Nha Trang, Hải Phòng…, phục vụ đông đảo khách hàng là người Việt Nam. Trong đó, K-Mart quy mô lớn nhất đặt tại Golden Place (Mễ Trì, Hà Nội), với diện tích 1.200 m2, là 1 tổ hợp gồm nhiều gian hàng, trong đó có K-Mart, K-Food, đồ lưu niệm, bánh ngọt…

Có lẽ khó đoán định nhất với cả K-Mart và các mô hình cửa hàng tiện lợi khác chính là hệ thống siêu thị mini, cửa hàng mặt phố hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm.

Song hành với K-Mart là hệ thống cửa hàng ăn nhanh mang thương hiệu K-Food, giờ cũng được mở rộng lên con số 20.

Trong cơ cấu doanh thu của K&K, K-Mart đóng góp 60%, lĩnh vực nhập khẩu, cung ứng hàng hóa là 40%.

Nhận diện đối thủ

Siêu thị K-Mart mới nhất được khai trương vào ngày 14/12/2016 vừa qua tại Gamuda (Hà Nội), tiếp tục hành trình mục tiêu cán mốc 100 siêu thị vào năm 2020 mà K&K đặt ra, bên cạnh sứ mệnh nhà cung cấp hàng thực phẩm Hàn Quốc cho các nhà bán lẻ trong nước.

“Chúng tôi xác định, K-Mart sẽ không thể đi nhanh, mà phải đi chắc, bằng hai chân, vừa cung ứng vừa bán lẻ, lấy thận trọng lên làm đầu”, bà Hà nói.

Cũng khó có thể chọn cách đi khác. Chọn phân khúc cửa hàng tiện lợi, tuy có né được sân chơi bị lệ thuộc vào các đại gia bán lẻ lớn, nhưng K-Mart đang đối mặt với các đối thủ đáng gờm.

- Chiến lược của K&K đến năm 2020 là mở chuỗi gồm 100 cửa hàng K-Mart trên toàn quốc và tiếp tục củng cố vị thế là nhà cung cấp tin cậy cho các nhà bán lẻ khác tại Việt Nam.
- Phương châm kinh doanh của K&K: “Kiện toàn” để “Bùng nổ”.

Trước hết, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Vận hành Công ty TNHH K&K Toàn Cầu, đó là hệ thống CP Fresh Mart, C.P Shop và FiveStar… - hệ thống cửa hàng thực phẩm của Tập đoàn C.P (Thái Lan). C.P Việt Nam tham gia vào chuỗi bán lẻ từ năm 2011, và tham vọng sẽ xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch với tên gọi C.P. Freshmart, C.P. Shop.

Một tên tuổi khác được nhắc đến là Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam cũng đang làm mưa, làm gió trong lĩnh vực nhập khẩu hàng thực phẩm vào phân phối tại thị trường trong nước, cùng việc phát triển hệ thống bán lẻ riêng, với cửa hàng đầu tiên mở tại đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) vào năm 2001. Đáng chú ý, cách đi của Ân Nam cũng có vẻ không khác mấy so với K-Mart.

Ngoài ra, đối thủ mới, nhưng có lẽ đáng gờm nhất của Kmart là hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ thuộc Tập đoàn Vingroup. Vinmart+ đang có trong tay hệ thống, đa dạng về mặt hàng, trong đó không ít sản phẩm thực phẩm của Hàn Quốc. Tốc độ phát triển của Vinmart+ cũng thuộc hàng khủng, với  trên 825 cửa hàng trong gần 3 năm.

Ngoài ra, không thể không kể tới B’s Mart của Thái Lan (trước đây là Family Mart) với 146 cửa hàng; Satrafoods với 80 cửa hàng; 58 cửa hàng ministop, 210 cửa hàng Shop&Go và 178 cửa hàng tiện lợi Circle K. Các thương hiệu này xuất hiện không đình đám, âm thầm theo hướng mưa dầm thấm sâu…

Cuối cùng, nhưng có lẽ khó đoán định nhất với cả K-Mart và các mô hình cửa hàng tiện lợi khác chính là hệ thống siêu thị mini, cửa hàng mặt phố hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm. Với thói quen tiêu dùng của người Việt và văn hóa kinh doanh mặt phố, thế mạnh của các cửa hàng này, trong trung hạn, chắc là vẫn vô đối.

Rõ ràng, cho dù thế mạnh rất lớn là dung lượng thị trường ngày càng lớn, nhưng phân khúc cửa hàng tiện lợi cũng đầy đủ mặt anh hào, nội có, ngoại có, truyền thống có, hiện đại có. Rõ ràng, K-Mart không dễ hoàn thiện hành trình 100 của hàng vào năm 2020 như dự tính.

Đó là chưa kể tới thông tin về sự có mặt của thương hiệu bán lẻ 7-Eleven tại tại Việt Nam. Sau khi khẳng định thương hiệu tại TP.HCM, tới đây, nhà bán lẻ này đã hé lộ  tham vọng sẽ mở 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.

“Chúng tôi ý thức được sự cạnh tranh này. Bởi vậy, chúng tôi bám sát ưu thế vốn có là yếu tố văn hóa Hàn Quốc, sự tin cậy của cộng đồng người Hàn với thương hiệu K-Mart…”, bà Hà nói.

Đây chính là điểm nhận dạng và cũng là “tấm danh thiếp” mà Công ty TNHH K&K Toàn Cầu đã tạo dựng được cho K-Mart trong thị trường bán lẻ. Cũng phải nói thêm, cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam đang lớn dần, đang có khoảng 17.000 người và sẽ tăng dần theo chân các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam.

Tuy nhiên, chăm sóc riêng cộng đồng người Hàn Quốc sẽ không đủ để K-Mart đạt mục tiêu, nhất là mong muốn điều chỉnh doanh thu từ bán lẻ lên 70% trong cơ cấu doanh thu.

Bà Hà nói: “Chúng tôi đã bắt đầu mở rộng nguồn hàng sang các nhà cung cấp từ Thái Lan, Mỹ, châu Âu. Riêng nhóm hàng tươi sống, các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam sẽ luôn được ưu tiên hiện diện trong hệ thống K-Mart”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, thị trường bán lẻ trong nước đã từng chứng kiến thương hiệu G7 Mart của Trung Nguyên đã phải khai tử sau một thời gian dài tham vọng xây dựng chuỗi bán lẻ thương hiệu Việt. Tuy nhiên, có vẻ như K-Mart vẫn khá ung dung, khi mà ông chủ là K&K Toàn Cầu vẫn đang đi bằng cả “chân” bán lẻ và “chân” phân phối, thay vì chỉ khai thác dư địa thị trường từ riêng kênh bán lẻ.

K-Mart đang vẽ tiếp đường đi cho mình trong những năm đầu của thập niên thứ 2 tham gia bán lẻ, phân phối của Việt Nam. Tất nhiên, trong thị trường bán lẻ, đường dài mới biết ngựa hay, bước thử chân của K-Mart để vươn lên “mặt tiền” của phân khúc cửa hàng tiện lợi mới chỉ bắt đầu.

Tin liên quan
Tin khác