Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sẽ vạch ra các giải pháp nhằm thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 |
Cũng cần phải nhắc lại một điều rằng, Hội nghị diễn ra ngay sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, với một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,68%, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng trưởng GDP của 4 năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Trong khi đó, lạm phát ở mức thấp kỷ lục, chỉ tăng 0,6%, tiếp tục “ghi điểm” cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam quyết liệt theo đuổi trong nhiều năm qua.
Điều này hiển nhiên đã khẳng định sự hồi phục rõ nét của nền kinh tế, tạo nền tảng quan trọng để nền kinh tế thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm tới như quyết nghị của Quốc hội.
Song mặt khác cũng là thách thức lớn, bởi năm 2016, nền kinh tế phải tăng trưởng 6,7% trên nền tảng của mức tăng trưởng 6,68% của năm 2015.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tìm kiếm giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2016 là điều cực kỳ quan trọng, bởi năm 2016 là năm đầu tiên, Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Đây còn là năm gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội Khóa XIV và hội đồng nhân dân các cấp, mà một trong những định hướng quan trọng đã vạch ra là đẩy mạnh thực hiện đồng bộ. toàn diện công cuộc Đổi mới.
Năm 2016 cũng là năm đánh dấu tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, theo đó cơ hội và thách thức đan xen.
Trong khi kinh tế toàn cầu và khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì “cuộc chiến” giá dầu sẽ không chỉ tác động mạnh tới kinh tế thế giới, mà còn cả với Việt Nam. Nếu giá dầu xuống quá thấp, ở mức 20 - 25 USD/thùng, hệ lụy với nền kinh tế là khôn lường.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của năm 2016 đã được Quốc hội quyết nghị. Theo đó, ngoài tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%, Việt Nam sẽ giữ lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 31% GDP…
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội 2016 cũng được gửi đi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ dự kiến điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đồng thời hỗ trợ thị trường trong nước phát triển; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu…
Đây là những giải pháp nền tảng và quan trọng quyết định sức khỏe của nền kinh tế năm tới. Năm 2015, dư nợ tín dụng cả năm ước tăng 18%, còn kế hoạch năm tới sẽ là 18-20% và được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở thực tế. Khi “mạch máu” nuôi dưỡng nền kinh tế thông suốt, kỳ vọng sản xuất - kinh doanh được thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức cao hơn. Nhưng nếu dư nợ tín dụng lên tới 20%, cung tiền lớn thì cũng cần cẩn trọng những tác động tới lạm phát…
Câu chuyện kỷ cương tài chính, tài khóa cũng vậy. Nỗi lo lớn nhất trong năm 2015 vẫn là nợ công, là bội chi ngân sách. Vậy cần tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề này ra sao trong năm tới? Ngoài ra, cần giải pháp dài hơi gì để đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng?
Rất nhiều câu hỏi liên quan tới nền kinh tế cần được giải đáp. Rất nhiều giải pháp cần được thảo luận và vạch ra, để quyết liệt thực hiện, để làm sao đạt mục tiêu kế hoạch 2016. Tất cả đang trông chờ vào Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tổ chức ngày hôm nay. Kế sách cho năm 2016 sẽ từ đó mà ra.