Doanh nghiệp vẫn rất khó khăn
Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), ông Phạm Đình Thúy cho biết, theo kết quả cuộc khảo sát doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 lần thứ hai do Tổng cục Thống kê thực hiện, có 36,3% số doanh nghiệp cho biết thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, trong đó gần 60% số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày. Ở đầu ra, gần 65% doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ trong nước giảm mạnh.
Hoạt động sản xuất bị đình đốn do tắc cả đầu ra lẫn đầu vào, nên một trong các giải pháp để doanh nghiệp “cầm cự” là cơ cấu lại lao động. Khảo sát cho thấy, có khoảng 6% số lao động bị mất việc do doanh nghiệp cắt hợp đồng; 2,4% số lao động phải nghỉ việc không lương; 5% phải giãn việc và nghỉ luân phiên. “Lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động nhiều nhất, khi có 11% số lao động bị nghỉ việc so với cùng kỳ năm 2019, trong khi chỉ có 4,5% số lao động làm việc trong các doanh nghiệp lớn bị nghỉ việc”, ông Thúy nói.
Cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, năm 2020, có tới 72% số doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019, chỉ có 5% số doanh nghiệp tăng doanh thu. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 69% và 7%.
“Điều đáng nói là, không chỉ những doanh nghiệp mới tham gia thị trường 5-10 năm, mà ngay cả những doanh nghiệp hoạt động trên 15 năm cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Thậm chí, có tới 72% số doanh nghiệp hoạt động từ 16 đến 20 năm và trên 20 năm đã và đang bị tác động tiêu cực”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI) cho biết.
Gần 73% doanh nghiệp thiếu vốn
Cuộc khảo sát của Tổng cục Thống kê và VCCI cho thấy, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2020 đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn vô cùng khó khăn. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đã có tới 90% số lao động ngành du lịch phải nghỉ việc hoặc tạm nghỉ việc, trong đó 50% thất nghiệp hoàn toàn. Khoảng 60% số doanh nghiệp du lịch đang hoạt động cầm cự, chỉ chờ phá sản.
Ông Bình đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục kéo dài thực hiện các gói hỗ trợ được ban hành tại Chỉ thị 11/2020/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ít nhất hết năm 2021, nếu được thì có thể kéo dài đến hết năm 2022 tùy diễn biến của dịch bệnh.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp du lịch là thiếu vốn để cầm cự. “Muốn vay tiền ngân hàng, dứt khoát phải có tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp du lịch lữ hành chỉ có uy tín và thương hiệu - những thứ mà không ngân hàng nào nhận thế chấp. Vì vậy, dù chính sách cơ cấu lại nợ, giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ rất hay, rất đúng, rất nhân văn…, nhưng chỉ đúng với ngành khác, chứ không phải với các công ty du lịch lữ hành”, ông Bình nói.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho biết, có tới 72,7% số doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động, nhưng 85,5% trong số này khó tiếp cận vốn vay. Còn theo kết quả khảo sát của VCCI, có 59% số doanh nghiệp nhỏ, 58% doanh nghiệp vừa và 35% doanh nghiệp lớn bị suy giảm tính thanh khoản do thiếu vốn hoạt động.
Ông Phạm Đình Thúy cũng đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg sang ít nhất hết năm 2021. “Trong đó, ngành ngân hàng cần đưa ra gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với thời hạn 2-3 năm. Bên cạnh đó, phải tiếp tục rà soát và đơn giản các thủ tục cho vay, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp, vì doanh nghiệp đã vô cùng khó khăn do Covid-19, nên tài sản thế chấp cũng đã thế chấp rồi”, ông Phạm Đình Thúy nói.