Doanh nghiệp
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu
Nguyên Đức - 28/06/2020 09:34
Tiếp tục có thêm các “ông lớn” nước ngoài “đổ bộ”, chứng minh làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam là có thật.

Việc này cũng tăng cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Foxconn đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Thêm “đại gia” cập bến

Thông tin vừa được tiết lộ tại cuộc làm việc giữa Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và ông Nate Easter, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Techonic Industries (TTI) cách đây ít hôm. Đó là nhà máy thiết bị điện không dây trong Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) dự kiến hoàn thành trong quý III/2021. Dự án này trên thực tế đã được cấp chứng nhận đầu tư từ cuối năm ngoái, với vốn đầu tư 650 triệu USD và đang tích cực được triển khai.

Nhưng quan trọng hơn, bên cạnh nhà máy mới này, cũng như nhà máy trước đó được TTI đầu tư xây dựng ở Bình Dương, TTI còn dự kiến triển khai xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), với kế hoạch thu hút khoảng 2.000 kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo.

Đồng thời, TTI, với mong muốn đóng góp và đồng hành với sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, cũng sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Chia sẻ thông tin với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, ông Nate Easter cho biết, TTI kỳ vọng trong vòng 2 năm tới, thu hút 180 - 200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, với mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD/năm, tỷ lệ cung ứng nội địa lên đến 60% trong năm 2020 và 80% vào năm 2021.

Không chỉ là đầu tư một khoản vốn lớn, các kế hoạch đầu tư của TTI quan trọng hơn, đã chạm đến cả 3 mục tiêu quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn tới của Việt Nam: dự án công nghệ cao, có đầu tư cho R&D và kết nối doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi thế, đây là một tín hiệu vui đối với thu hút FDI của Việt Nam. Dù không nhiều, nhưng điều đó chứng tỏ, những dòng vốn đầu tư có chất lượng đang chọn Việt Nam là điểm dừng chân.

Tương tự, Tập đoàn Qualcomm vừa khai trương văn phòng mới và hệ thống phòng thí nghiệm mới tại Hà Nội, bao gồm phòng thí nghiệm RF hỗ trợ việc đánh giá thiết kế và hiệu chuẩn; phòng thí nghiệm PPT thực hiện thử nghiệm năng lượng tiêu thụ, hiệu suất và nhiệt và phòng thí nghiệm dịch vụ máy ảnh cung cấp dịch vụ điều chỉnh camera và xác nhận chất lượng hình ảnh cơ bản. Đây là cũng là cơ sở R&D đầu tiên của Qualcomm ở khu vực Đông Nam Á.

Còn Tập đoàn Exxon Mobil cũng vừa tuyên bố sẽ đầu tư 2 dự án điện khí lớn ở Hải Phòng và Long An, với quy mô chỉ riêng nhà máy ở Hải Phòng đã lên tới 4 tỷ USD, công suất 4.000 MW. Exxon Mobil đã dự kiến tới Việt Nam trong những tháng đầu năm, để đưa ra các quyết định cuối cùng về việc đầu tư các dự án này. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch này bị lùi lại. Tuy nhiên, mong muốn tranh thủ thời cơ để sớm có quyết định đầu tư vào Việt Nam, thay vì đến trực tiếp, lãnh đạo Tập đoàn đã chọn thực hiện điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để chia sẻ về kế hoạch này. Và người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã rất hoan nghênh Exxon Mobil có kế hoạch đầu tư chuỗi nhà máy điện khí tại Việt Nam.

Nỗ lực đón làn sóng đầu tư mới

Ngoài TTI, Exxon Mobil, thì Google, Microsoft, Samsung, LG, Pegatron… cũng đang có kế hoạch, thậm chí không còn là kế hoạch nữa, mà đã bắt đầu thực hiện việc dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

Foxconn, nhà sản xuất lớn nhất các sản phẩm của Apple, cũng được cho là đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Ông Young Liu, Chủ tịch Tập đoàn Foxconn đã nói với báo chí nước ngoài rằng, trong vòng 2 năm qua, Foxconn đã dịch chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, với hầu hết phần dịch chuyển là tới Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, Foxconn đã đầu tư hơn 371 triệu USD vào Ấn Độ và hơn 203 triệu USD vào Việt Nam trong 2 năm 2018-2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng đề án để làm sao đón đầu được làn sóng đầu tư dịch chuyển. Theo đó, có nhiều giải pháp sẽ được triển khai, bao gồm cả áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, chủ động trong xúc tiến đầu tư, chuẩn bị các điều kiện về năng lượng, cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất và lao động có tay nghề…

Theo ông Young Liu, Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất lớn nhất của Foxconn ở Đông Nam Á, với công suất còn lớn hơn cả ở Ấn Độ. Sắp tới, sẽ có nhiều sản phẩm được Foxconn sản xuất tại Việt Nam, bao gồm cả Pixel 5 của Google.

“Việt Nam đã kiểm soát được Covid-19, với các biện pháp hiệu quả, được thế giới đánh giá cao. Thành công này sẽ tạo dựng môi trường đầu tư an toàn, tin cậy cho đầu tư và thương mại quốc tế ở Việt Nam”, ông Irtiza Sayyed, Chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Exxon Mobil đã nói như vậy trong cuộc điện đàm với Thủ tướng.

Nhưng chuyện thành công trong “chống lại” Covid-19 chỉ là một yếu tố kích thích luồng đầu tư dịch chuyển mạnh vào Việt Nam. Các nguyên nhân chính được chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra. Đó là các tập đoàn muốn né rủi ro chiến tranh thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc; muốn tiếp tục đa dạng hóa chuỗi sản xuất khi mà Trung Quốc đang mất dần những lợi thế trong thu hút FDI; để tận dụng cơ hội mới từ các thị trường tiềm năng, chính phủ nhiều nước muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng, Covid-19 khiến các doanh nghiệp muốn sắp xếp lại chuỗi sản xuất.

Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, để thu hút được làn sóng này, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thì Việt Nam cần sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, trong đó nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư; chuẩn bị sẵn quỹ đất, sẵn sàng cơ sở hạ tầng… Bên cạnh đó, tinh gọn quy trình, thủ tục đầu tư; có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nhân lực có tay nghề, tăng cường gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương với các nhà đầu tư lớn để nắm rõ nhu cầu, tháo gỡ vướng mắc nhanh chóng…

Ông Cấn Văn Lực cũng khuyến nghị phải sớm vận hành hiệu quả Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI của Việt Nam. Tổ công tác này vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập.

Tin liên quan
Tin khác