Doanh nghiệp
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019: Kẻ hụt hơi, người gần cán đích lợi nhuận
Thanh Thủy - 19/07/2019 09:05
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang bước vào những ngày cao điểm khi thời hạn 20/7 đang đến gần. Xuất hiện khá nhiều bất ngờ cho đến thời điểm hiện tại, thậm chí ở nhiều trường hợp đột biến, giá cổ phiếu ngay lập tức phản ánh kỳ vọng nhà đầu tư.
Nhiều bất ngờ trên chặng đua lợi nhuận nửa đầu năm 2019. Ảnh minh họa

Nửa chặng đường, chưa hoàn thành được đến 1/3 mục tiêu

Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons ghi nhận biến động bất thường trong phiên giao dịch ngày 18/7. Giá giảm kịch sàn ngay khi mở cửa dù hồi phục nhẹ sau đó, còn khối lượng giao dịch tăng vọt, cao nhất từ giữa tháng 4 trở lại đây. Quyết định của nhà đầu tư chịu ảnh hưởng lớn sau thông tin tiêu cực về kết quả kinh doanh khi lợi nhuận mà doanh ngiệp xây dựng này đạt được trong nửa đầu năm. Lợi nhuận Coteccons chỉ mới hoàn thành vỏn vẹn 20,6% kế hoạch và giảm gần 71% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính đến từ sự thu hẹp đáng kể nguồn thu các hợp đồng xây dựng và mức thấp kỷ lục của tỷ suất lợi nhuận gộp. Biên lãi gộp quý II của Coteccons đạt gần 3,2%, trong khi cùng kỳ đạt 6,8% và các quý gần đây vẫn ở khoảng 5 - 8%. Cùng với mức giảm 30% của doanh thu, lợi nhuận trước thuế quý II/2019 của Coteccons giảm hơn 71% cùng kỳ.

Câu chuyện sáp nhập Ricons thông qua phát hành cổ phiếu để hoán đổi  “chiếm sóng” kỳ họp ĐHĐCĐ hồi tháng 4 khiến cổ đông không có nhiều thời lượng cho các câu hỏi về hoạt động kinh doanh của Coteccons. Nhưng thực tế, tính đến quý II vừa qua, Coteccons đã có 3 quý liên tiếp báo lãi giảm và 4 quý liền lợi nhuận tăng trưởng âm. Lợi nhuận kỳ này cũng là quý thấp nhất trong 4 năm qua.

Kết quả kinh doanh Coteccons các quý gần đây. Nguồn: BCTC

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons thu về gần 313 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 57% so  với cùng kỳ. Dù đã đặt mục tiêu thấp hơn thực hiện năm trước với 27.000 tỷ đồng doanh thu và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Coteccons chỉ mới hoàn thành 37% mục tiêu về doanh thu và 24% mục tiêu về lợi nhuận. Doanh nghiệp hiện còn rất nhiều nhiệm vụ phía trước trong nửa chặng đường còn lại.

Không riêng Coteccons, một số doanh nghiệp thủy điện công bố kết quả kinh doanh với doanh thu giảm đáng kể do tình hình thủy văn không thuận lợi. Theo Tập đoàn Điện lực (EVN), dù nhu cầu điện tăng trưởng rất cao, nước về hồ thủy điện kém đã ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện của nhiều doanh nghiệp thủy điện.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTCP Thủy điện Miền Nam (mã SHP - HoSE) lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Doanh thu của SHP trong nửa đầu năm giảm hơn 10% dù giá bán điện tăng tới 17% so với cùng kỳ .

Một số doanh nghiệp thủy điện khác cũng công bố kết quả kinh doanh kém khả quan. CTCP Thủy điện Cần Đơn (mã SJD - HoSE) đạt 56,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của CTCP Thủy điện Sesan 4 (mã S4A - HoSE) đạt gần 25 tỷ đồng, chỉ bằng 51% cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ đặt mục tiêu khiêm tốn, hai doanh nghiệp này hiện đều đã thực hiện được lần lượt gần 30% và 22,5% kế hoạch đề ra. Riêng SHP mới hoàn thành 3% kế hoạch.

Chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố mùa vụ, sản lượng điện 6 tháng đầu năm của một số doanh nghiệp thủy điện thông thường sẽ bằng khoảng tối đa 30% sản lượng điện cả năm. Cú lội ngược dòng của lợi nhuận doanh nghiệp thủy điện sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình thủy văn các tháng tới.

Về đích sớm

Cũng trong lĩnh vực kinh doanh điện, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND - UPCoM) lại báo lãi tăng đột biến, cao gấp rưỡi kế hoạch đề ra. Cùng với việc sản lượng điện tăng thêm 287 triệu kWh so với quý II năm trước, HND còn ghi nhận khoản thu đột biến từ chênh lệch tỷ giá năm 2016 được thanh toán (153 tỷ đồng). Lợi nhuận thu được trong riêng quý II đạt 435 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của HND đạt 540 tỷ đồng, tăng trưởng 55,6%. So với mục tiêu lãi 359 tỷ đồng (chưa gồm chênh lệch tỷ giá), HND cũng đã vượt hơn 7% kế hoạch đề ra.

Một trường hợp khác là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC - HoSE) cũng đã hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng. Dù vậy, so với cùng kỳ, lợi nhuận của PPC vẫn giảm tới 35% trong quý II  và gần 20% lũy kế 6 tháng. Nguyên nhân bởi cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này hoàn nhập đến 163 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư.

CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC - UPCoM) cũng đã chính thức cán đích lợi nhuận với khoản lãi sau thuế đạt 130,5 tỷ đồng, tăng 49% cùng kỳ. Nguồn thu từ hoạt động tài chính bao gồm lãi tiền gửi và cổ tức được là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận tăng trưởng dù lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính giảm 16%.

Kế hoạch mà NTC đặt ra cho năm nay thực tế chỉ bằng 28% kết quả đạt được năm 2018. Tuy nhiên, điều này một phần do NTC ghi nhận khoản lãi bất thường trong quý IV năm ngoái từ nhượng thương quyền Khu dân cư Nam Tân Uyên. Nếu không kể khoản lãi đột biến này, kế hoạch kinh doanh của NTC giảm khoảng hơn 30%. Một số trường hợp khác, các doanh nghiệp cũng chủ động đặt ra kế hoạch thận trọng.

Như trường hợp của CTCP Thủy sản Mekong (mã AAM - HoSE), lợi nhuận trước thuế năm 2019 đặt mục tiêu đạt 8 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2018. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp thủy sản này đã thu về 8,5 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu thuần đạt được chỉ đạt 94,5 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ 2018 và cũng mới hoàn thành 42% kế hoạch. Các năm gần đây, Thủy sản Mekong cũng thường xuyên phải đặt kế hoạch tăng trưởng âm.

Tương tự, kế hoạch lợi nhuận của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (mã PVC - HNX) cũng giảm đến 99% so thực hiện năm 2018. Trong khi năm trước PVC lãi sau thuế 16,07 tỷ đồng, vừa kịp cán đích mục tiêu 16 tỷ đồng đặt ra, kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp này năm nay chỉ vỏn vẹn 3,17 tỷ đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận trước thuế của PVC các năm gần đây. Nguồn: BCTC

Theo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, ban lãnh đạo công ty cho biết đạt được 15,3 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm, ước gấp hơn 5 lần chỉ tiêu kế hoạch cả năm, doanh thu hợp nhất cũng hoàn thành gần 50% kế hoạch.

Ở thời kỳ hoàng kim, lợi nhuận mà PVC thu về có năm lên tới 400 tỷ đồng. Giá dầu sụt giảm từ cuối năm 2014 khiến các lĩnh vực liên quan trong ngành công nghiệp dầu khí bị ảnh hưởng. Không riêng PVC, khá nhiều doanh nghiệp khác họ dầu khí cũng đều phải lên kế hoạch kinh doanh khiêm tốn.

Tin liên quan
Tin khác