Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: Reuters |
Trước cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30-31/7, các quan chức Fed đã miễn cưỡng cam kết về thời điểm cắt giảm lãi suất đầu tiên, nhưng họ đều đã hài lòng với dữ liệu gần đây cho thấy áp lực giá cả đang giảm bớt và lạm phát toàn phần đang tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed.
Dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 2,5% vào tháng 6 sau khi tăng 2,6% trong tháng 5.
Trên thực tế, dữ liệu kể từ tháng 3 cho thấy chỉ số PCE chỉ tăng 1,5% - thấp hơn nửa phần trăm so với mục tiêu của Fed. Nếu không tính giá cả biến động mạnh như giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát Mỹ đã tăng 2,3% trong tháng 6, tiệm cận mục tiêu 2% của Fed.
Áp lực giá cả đang giảm bớt có thể là tín hiệu đủ để Fed thay đổi đánh giá về lạm phát trong tuyên bố chính sách sắp tới, giúp họ có thêm sự tự tin về lạm phát sẽ trở lại mức 2%.
Các quan chức Fed cho biết họ nên bắt đầu cắt giảm lãi suất trước khi lạm phát hoàn toàn trở lại mục tiêu 2%. Nếu dữ liệu lạm phát sắp tới vẫn tiếp tục xu hướng trong những tháng gần đây, Fed có thể sẽ không chần chừ với quyết định hạ lãi suất.
Fed "chỉ còn cách mục tiêu 50 điểm cơ bản ... vì vậy có vẻ như khoảng cách không còn xa nữa", ông Jim Bullard, cựu chủ tịch Fed tại chi nhánh St. Louis Fed và hiện là Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Mitchell E. Daniels Jr. Thuộc Đại học Purdue, nhận định.
"Liệu nó (lạm phát) vẫn còn cao không? Chắc chắn rồi. Nhưng nó không cao như trước nữa", ông Bullard lập luận. Nhà phân tích này cho rằng có thể sẽ có một thay đổi nhỏ trong tuyên bố của Fed và họ sẽ mô tả lạm phát đang ở mức "cao vừa phải", thay vì mức "tăng cao".
Fed đã liên tục tăng lãi suất để "hạ nhiệt" nền kinh tế Mỹ sau khi lạm phát lập kỷ lục 4 thập kỷ. Lãi suất cơ bản được Fed cố định ở ngưỡng 5,25 - 5,50% kể từ tháng 7/2023, biến nó trở thành một trong những đợt thắt chặt tiền tệ dài nhất trong những thập kỷ gần đây.
Bất chấp những cảnh báo vào năm ngoái rằng các điều kiện tài chính chặt chẽ như vậy có thể gây ra suy thoái, ít nhất đến nay Fed có vẻ đã sắp đến đích. Lạm phát đã giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng dần và vẫn ở mức 4,1%, xung quanh mức mà nhiều quan chức Fed coi là tín hiệu cho việc làm đầy đủ.
Một số dữ liệu khác, chẳng hạn doanh số bán nhà gần đây gây thất vọng và tình trạng nợ quá hạn gia tăng, chỉ ra những điểm yếu của nền kinh tế Mỹ. Nhưng công bố mới nhất về GDP lại là điều ngạc nhiên khi nền kinh tế Mỹ ước đạt tăng trưởng 2,8% trong quý II/2024.
Ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citi cho rằng: "Có vẻ như họ (Fed) muốn chắc chắn hơn một chút, vì vậy sẽ ra tín hiệu vào tháng 7 và cắt giảm vào tháng 9".
Theo kế hoạch, Fed sẽ công bố tuyên bố chính sách mới nhất của mình vào lúc 2 giờ chiều theo giờ miền Đông Bắc Mỹ (ETD) vào ngày 31/7 và Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, sẽ chủ trì một cuộc họp báo nửa giờ sau đó.
Các nhà đầu tư đang rất trông đợi tuyên bố liên quan đến lãi suất của Fed và họ gần như chắc chắn rằng Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 17-18/9, bước đầu tiên trong việc đảo ngược loạt tăng lãi suất nhanh nhất trong 4 thập kỷ.
Lạm phát có thể không phải là vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới, mà lãi suất và Fed trở thành tâm điểm chú ý trong cuộc đua vào Nhà Trắng đầy biến động.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã nói với Chủ tịch Fed tại một phiên điều trần gần đây rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 có vẻ như là một nỗ lực nhằm làm thay đổi cục diện bất lợi cho ông Trump, người đã đưa ông Powell lên làm Chủ tịch Fed vào đầu năm 2018.
Theo Thống đốc Fed Christopher Waller, dữ liệu lạm phát Mỹ đã gần đến thời điểm cần cắt giảm lãi suất và thị trường lao động gần đến thời điểm tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng nhanh.
Việc Fed cắt giảm lãi suất có thể chuyển hóa tác động nhanh chóng, giúp giảm lãi vay cho các khoản thế chấp nhà, thẻ tín dụng và một loạt các sản phẩm tài chính cho hộ gia đình và doanh nghiệp.