Doanh nghiệp
Khách hàng là nhà đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp trên bước đường khởi nghiệp
Hồng Phúc - 07/10/2020 10:17
Mỗi giai đoạn phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lượng vốn nhất định và hướng tới nhà đầu tư khác nhau. Nhưng dù ở giai đoạn nào, start-up chỉ tồn tại khi khách hàng chi tiền cho sản phẩm.
Các nhà đầu tư cá nhân trao đổi với start-up bên lề một sự kiện thuyết trình gọi vốn do Startup Vietnam Foundation tổ chức.

Có doanh thu, có lãi sẽ dễ gọi vốn

Thành lập 14 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ năm 2002 đến nay, nhưng chỉ có 1 dự án tạm gọi là thành công khi đang trong quá trình mở rộng quy mô, ông Đặng Việt Hùng, nhà sáng lập Five Fishes Holding kết luận rằng, trong giai đoạn đầu phát triển, nhà đầu tư thiên thần tốt nhất cho start-up chính là khách hàng.

Nhận định trên được ông Hùng đúc rút từ kinh nghiệm của quá trình gọi vốn, với những khoản đầu tư từ 500.000 USD đến 10 triệu USD, thậm chí cả những lần từ chối lời đề nghị của nhà đầu tư.

“Start-up nên đặt chuyện “vay” tiền từ khách hàng lên hàng đầu. Nghĩa là, nếu bán được sản phẩm, có được tiền từ khách hàng, thì sau đó, start-up sẽ rất dễ huy động vốn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nhà sáng lập Five Fishes Holding còn cho rằng, sự nhầm lẫn giữa start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) và SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) có thể dẫn đến “lạc đường” trong hành trình gọi vốn.

“Rất nhiều SME cứ nghĩ mình đang start-up, nên thả nổi quá trình lỗ. Đây là điều đáng buồn, nhưng rất phổ biến tại Việt Nam”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, các start-up đều phải gọi nhiều vòng vốn thay vì 1 vòng, đặc biệt ở giai đoạn 3 năm đầu, vốn huy động được thường dùng vào các mục đích như phát triển sản phẩm từ ý tưởng, hoàn thiện đội ngũ…

Nhà đầu tư thiên thần hay quỹ mạo hiểm đều không phải nhà từ thiện, nên trước khi rót vốn, họ phải nắm rõ có thể thu về bao nhiêu trong thương vụ đó và muốn nhìn thấy rõ từng bước phát triển của dự án qua những thông số cụ thể, những kết quả đã thực hiện được. Nếu có được các điều kiện này, dự án khởi nghiệp cũng có thể huy động vốn từ các tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Ngân hàng ACB Chi nhánh Sài Gòn cho biết, một trong những đối tượng mục tiêu của ACB Chi nhánh Sài Gòn là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dù quá trình thẩm định cho vay phải theo quy định chung (phía vay phải chứng minh năng lực tài chính, năng lực hoạt động kinh doanh…), nhưng Ngân hàng vẫn xem xét các trường hợp khởi nghiệp tùy vào quá trình hoạt động cũng như kinh nghiệm của người lãnh đạo.

“Dù không có tài sản thế chấp, các start-up hay SME vẫn có thể gọi vốn nếu có lợi nhuận. Lợi nhuận có thể đến từ việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ”, ông Khoa nói.

Uy tín của nhà sáng lập là điểm cộng

Là đồng sáng lập Trung tâm hỗ trợ Entrepreneurs Hub, thường xuyên tư vấn về gọi vốn cho các start-up Việt Nam, lời khuyên mà bà Nguyễn Thị Mai Hương dành cho các start-up là phải hướng đến thị trường lớn, tốt nhất là thị trường khu vực hoặc toàn cầu. Bởi, khi tìm kiếm các dự án tiềm năng để rót vốn, nhà đầu tư thường quan tâm tới khả năng mở rộng thị trường của start-up, với tốc độ tăng trưởng không phải 15%/năm, mà là 15%/tháng.

Ở một khía cạnh khác, ông Mai Trường Giang, sáng lập Chewy Junior, Bánh canh Bến Có, Otoke Chicken… chia sẻ, trước khi rót vốn, các nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm đều muốn biết, nhà sáng lập và đội ngũ vận hành start-up đã có kinh nghiệm như thế nào trong ngành.

Thế nên, để có được thương vụ gọi vốn đầu tư thành công, không hẳn hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động của start-up, vì hầu hết các quỹ đầu tư thường có đội ngũ “săn mồi”, quan sát các nhà sáng lập vài năm.

“Trong số các chuỗi bán lẻ hiện nay, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư. Đặc biệt, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị đã phải rời bỏ thị trường trước khi tiếp cận được nguồn vốn mới, hoặc dùng vốn sai mục đích khi thỏa thuận với nhà đầu tư, khiến không chỉ nhà sáng lập mất uy tín, mà cả ngành đó cũng bị ảnh hưởng”, ông Mai Trường Giang nhấn mạnh yếu tố uy tín của người đứng đầu start-up.

Đề cập vai trò của nhà sáng lập khi gọi vốn cho dự án, ông Ngô Anh Ngọc, CEO Babuki Consulting cho biết, sau khi xác định được thị trường rõ ràng, nhà đầu tư sẽ dành nhiều thời gian tìm hiểu để đánh giá kinh nghiệm của đội ngũ vận hành trước quyết định thực hiện các bước tiếp theo trong quá trình rót vốn.

“Đội ngũ chưa từng khởi nghiệp hay chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà start-up đang gọi vốn là rào cản lớn khi tiếp cận nhà đầu tư”, ông Ngọc nói.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, start-up nên gọi số vốn vừa đủ để phát triển cho từng giai đoạn. Thay vì chọn nhà đầu tư có nguồn vốn lớn, start-up được khuyến nghị chọn những nhà đầu tư cùng ngành, cùng lĩnh vực với dự án mà mình đang phát triển. Bởi, sự hỗ trợ, kinh nghiệm, mối quan hệ và hệ sinh thái sản phẩm từ nhà đầu tư đôi khi có giá trị hơn nhiều lần số tiền họ đầu tư.

Ở đâu có dự án mang lại lợi nhuận, có tiềm năng phát triển, thì chắc chắn, sẽ có nhà đầu tư tìm đến. Nhưng, ông Đặng Việt Hùng chia sẻ, trong hơn 100 start-up từng tư vấn, ông chỉ chọn được một start-up để đầu tư, trong đó, uy tín và năng lực của nhà sáng lập là một trong những tiêu chí quyết định.

“Có quỹ đầu tư chia sẻ với tôi rằng, nếu anh A thực hiện bất kỳ dự án khởi nghiệp nào, thì họ cũng đầu tư. Đó chính là niềm tin. Nếu có uy tín, nhân cách, trình độ, kinh nghiệm, nhà sáng lập luôn được coi trọng và nhiều cá nhân/tổ chức sẵn sàng đầu tư cho họ”, ông Hùng nói.

Tin liên quan
Tin khác