Ngọn lửa nghề biểu trưng bằng nghệ thuật pháp lam được các nghệ nhân lớn tuổi thắp lên và sẽ trao truyền cho thế hệ con cháu. Ảnh: L.N |
Tối 28/4 tại sân khấu Bia Quốc học Huế, UBND TP. Huế đã khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 9 năm 2023.
Diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 5/5/2023 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt”, Festival Nghề truyền thống Huế quy tụ khoảng 350 nghệ nhân, bàn tay vàng của 21 nhóm nghề từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong cả nước.
Cùng với đó, có 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự, gồm thành phố Takayama, thành phố Shizuoka, thành phố Saijo, thành phố Sasayama (Nhật Bản), thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc) và 1 Hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham gia của các đoàn biểu diễn nghệ thuật: Cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn KPop, biểu diễn võ thuật, nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát Diễn Xướng (Hàn Quốc).
Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế xoay quanh chủ đề “Bàn tay người thợ”. Ảnh: L.N |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật cho biết đây là chuỗi sự kiện điểm nhấn của Festival Huế 2023 được tổ chức theo định hướng thành phố bốn mùa lễ hội; là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội, mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Huế: “Cố đô xanh - Di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện”.
“Festival nghề truyền thống Huế 2023 là nơi tôn vinh nét đẹp và trình diễn nghề thủ công truyền thống, nơi hội tụ của những bàn tay nghệ thuật tài hoa, nghiên cứu phương thức đổi mới sáng tạo đương đại… được tổ chức trong không gian cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của thành phố Huế.
Festival lần này cũng là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống; cùng với chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu… sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế - thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.”, ông Nhật nói.
Nghệ nhân thao diễn làm gốm thủ công trong chương trình nghệ thuật khai mạc. Ảnh: L.N |
Buổi lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế diễn ra trong hơn 1 giờ với một chương trình nghệ thuật, ca múa nhạc tinh gọn nhưng khá ấn tượng chung quanh chủ đề “Bàn tay người thợ” do Tổng đạo diễn Lê Quốc Vinh (Tập đoàn Truyền thông Lê), NSƯT Trần Ly Ly (chỉ đạo nghệ thuật)… dàn dựng.
Đặc biệt, cuối lễ khai mạc một nghi thức khá xúc động và gây ấn tượng khi Chủ tịch UBND thành phố Huế cùng một số nghệ nhân lớn tuổi thắp lên một ngọn lửa nghề. Ngọn lửa như ánh đèn được nghệ nhân Đỗ Hữu Triết thể hiện bằng nghệ thuật pháp lam, được thắp lên để trao truyền cho các người thợ trẻ, những người kế nghiệp nghề thủ công truyền thống của quê hương, đất nước để họ tiếp tục gìn giữ, sáng tạo, phát huy những tinh hoa nghề Việt.
Học sinh xứ Huế tham gia chương trình nghệ thuật đêm khai mạc. Ảnh: L.N |
Trước đó, vào chiều cùng ngày, tại công viên Tứ Tượng và đường Nguyễn Đình Chiểu men bờ Nam sông Hương, UBND thành phố Huế cũng đã khai mạc “Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; không gian ẩm thực đặc sản Huế”. Không gian này là điểm nhấn của Festival nghề truyền thống Huế 2023, đồng thời là một trong 11 chương trình chính diễn ra tại Festival và được bố trí bên bờ sông Hương trữ tình, thơ mộng.
Là Festival của hội nhập, mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, đây chính là cơ hội để các cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề và các nghệ nhân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Không gian được thiết kế với hệ thống nhà rường cổ kết hợp với những mái nhà tranh tre gần gũi với người dân Việt Nam và mang đậm đà nét Huế.
Một nghệ nhân thao diễn nghề dệt không gian thao diễn bên sông Hương. Ảnh: L.Đ.H |
Trong không gian này, không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc mà còn là nơi phô diễn tài năng của các nghệ nhân nổi tiếng và làng nghề truyền thống cổ truyền trên khắp mọi miền đất nước thông qua việc thao diễn kỹ thuật tinh xảo, các quy trình sản xuất độc đáo để làm nên một sản phẩm tinh hoa.
Cùng trong khuôn khổ chương trình, UBND thành phố Huế đã khai mạc “Không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế” tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế.
Nghệ nhân Nhật Bản trưng bày, triển lãm sản phẩm thủ công truyền thống của đất nước mình tại cố đô Huế. Ảnh: L.Đ.H |
Nơi đây sẽ trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của các nghệ nhân đến từ thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc), các thành phố Saijo, Shizuoka, Takayama, Sasayama (Nhật Bản), Viện nghiên cứu văn hóa truyền thống Hàn và Viện xúc tiến nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc là dịp để thành phố và tỉnh Thừa Thừa Huế tiếp tục tăng cường giao lưu, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Huế với các thành phố trên thế giới; đồng thời, tạo điều kiện giao lưu, đoàn kết và phát triển các thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Việt Nam và các đối tác quốc tế.