Theo chương trình nghị sự, trong thời gian từ ngày 7 đến 12/5, Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về các đề án, báo cáo, trong đó có Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp... Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo của Đảng, như công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp; các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ Hội nghị lần thứ 6.
Hội nghị Trung ương 7 đặt trọng tâm thảo luận, cho ý kiến những vấn đề lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, có ý nghĩa quan trọng |
Nhìn vào chương trình nghị sự của Hội nghị, có thể thấy, Trung ương đã đặt trọng tâm thảo luận, cho ý kiến những vấn đề lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp tới công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, viên chức, người lao động và đảm bảo an sinh xã hội… Những vấn đề trên sẽ được đưa ra bàn thảo tại các phiên họp về đề án về tiền lương, bảo hiểm xã hội và đặc biệt là về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Sở dĩ vấn đề công tác cán bộ được Trung ương dành sự quan tâm rất lớn tại Hội nghị lần này là bởi đội ngũ cán bộ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả quan trọng về ban hành các văn bản chỉ đạo, đổi mới công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, thi tuyển…, thời gian qua, công tác cán bộ đã bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và bất cập không nhỏ. Đó là tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực, không đúng quy trình. Đó là nạn chạy chức, chạy quyền, biểu hiện chủ nghĩa thân hữu, bè phái; chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ giỏi còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả. Đó là nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn suy thoái, vi phạm pháp luật, phải kỷ luật, xử lý…, gây mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào hệ thống chính trị.
Trước thực trạng đó, Trung ương đã dành nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Với hàng chục hội nghị, hội thảo được tổ chức trên cả nước gần 2 năm qua; với hàng loạt cuộc gặp gỡ, lấy ý kiến các cấp ủy đảng ở Trung ương, tỉnh, thành, ngành, các đồng chí lãnh đạo Đảng và nguyên lãnh đạo Đảng, các cuộc điều tra xã hội học, tham vấn kinh nghiệm quốc tế…, có thể nói, đây là đề án được chuẩn bị công phu, thân trọng, bài bản và tâm huyết.
Sự thận trọng, bài bản và công phu trong việc xây dựng đề án này là dễ hiểu, bởi công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn trong mọi lĩnh vực, là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, nhưng cũng là công tác rất khó, rất nhạy cảm. Hơn nữa, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước trong 20 năm qua có nhiều thay đổi, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp tới nhiều nền kinh tế… thì yêu cầu có một đề án về công tác cán bộ thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ 20 năm trước là rất cấp thiết.
Do đó, Đề án sẽ là cơ sở quan trọng để hướng đến mục tiêu xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược một cách đồng bộ, toàn diện, có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đề án sẽ giúp đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ lãnh đạo. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.