Thời sự
Khai mạc Hội thảo “Khoa học để phát triển” tại Bình Định
Hà Minh - 10/05/2018 07:29
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng lực đẩy cho sự phát triển đó là lao động giá rẻ và tài nguyên đều đang dần cạn kiệt, vì thế khoa học kỹ thuật phải là yếu tố quyết định cho sự phát triển để đưa Việt Nam tiến gần hơn đến với thế giới.

Sáng 9/5, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra hội thảo quốc tế: “Khoa học để phát triển”. Sự kiện do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định, Bộ KH&CN, Tập đoàn Solvay, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu phối hợp tổ chức.

GS Trần Thanh Vân phát biểu chào mừng các nhà khoa học về tham dự Hội thảo 

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới; đặc biệt là sự góp mặt của 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel là GS Gerard ’t Hoof - Nobel Vật lý năm 1999, GS Finn Kydland - Nobel Kinh tế năm 2004. Bên cạnh đó là các đại biểu trong và ngoài nước: ông Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU; ông Bertnand Lortholary - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc. Phía tỉnh Bình Định, dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ…

Tại Hội thảo GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ đây sẽ là sự kiện khoa học lớn nhất về khoa học trong năm nay ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thêm cơ hội để kết nối khoa học Việt Nam với thế giới, để các bạn trẻ được tiếp cận, học hỏi với các nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

“Hội thảo quốc tế “Khoa học để phát triển” tiếp nối với hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản xã hội” đã từng diễn ra vào tháng 7/2016 trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12. Tuy nhiên, hội thảo lần này sẽ đi xa hơn và đề cập đến vai trò của khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng cho sự phát triển bền vững của xã hội; thông qua các chương trình đối thoại khoa học giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế” - GS Trần Thanh Vân cho hay.

Hội thảo diễn ra ngay sau đó

Chia sẻ với các nhà khoa học quốc tế đến với Bình Định, với Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Phi Long cho biết, Bình Định sẽ sớm xây dựng TP Quy Nhơn thành đô thị khoa học, là thung lũng khoa học sáng tạo của cả nước.

Trước đó, ngày 6/5, trong chuyến công tác tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (gọi tắt là ICISE), Thành phố Quy Nhơn.

Thủ tướng đánh giá cao Hội Gặp gỡ Việt Nam đề xuất ý tưởng xây dựng một đô thị khoa học tại Bình Định và cho rằng, đây là ý tưởng mạnh dạn, nếu thành công sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy khoa học trong nước.

Tại buổi làm việc này, Giáo sư Trần Thanh Vân bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để giúp tỉnh Bình Định xây dựng Đô thị khoa học này để phát huy tiềm năng khoa học của vùng. 

Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

Đồng thời, mong muốn Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các viện hoặc trung tâm nghiên cứu tại khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa, thành phố Quy Nhơn để phát huy tối đa nguồn chất xám các nhà khoa học quốc tế đến dự hội nghị tại Trung tâm ICISE. Trong đó, có thể bắt đầu từ các lĩnh vực về vật lý lý thuyết, vật lý nano, vật lý thiên văn, toán ứng dụng, ứng phó biến đổi khí hậu... 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên cạnh việc đánh giá cao vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc đã đưa ra nhiều ý tưởng mới gắn với công tác đào tạo con người, góp phần kiến tạo mô hình và môi trường học tập ở nước ta.

Thủ tướng cho biết trước khi thăm Trung tâm, đã thăm và nghe giới thiệu về dự án Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn, Thủ tướng đánh giá cao việc đưa khoa học gần gũi với giáo dục. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra đối với Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam, nhiều cơ hội và thách thức, Thủ tướng mong muốn Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành phát triển bền vững, hiệu quả và có tính lan tỏa cao, là sân chơi quốc tế góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam, cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Đánh giá cao ý tưởng đề xuất xây dựng Đô thị Khoa học tại Bình Định, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, nguyên tắc để Bình Định xây dựng một đô thị khoa học và giáo dục. Đây là bước đi mạnh dạn và tiên phong để có thể quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà.

 

 

 

 

Tin liên quan
Tin khác