Du lịch
Khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM năm 2023, du khách được nghe "dòng sông kể chuyện"
Hoài Sương - 04/08/2023 13:06
Đến với Lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm chương trình du lịch đường thủy, mua sắm nông sản địa phương, hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước…

Sáng 4/8, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 do UBND TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức chính thức khai mạc tại Cột cờ Thủ Ngữ -  mở đầu cho sự kiện du lịch lớn nhất từ trước đến nay của TP.HCM.

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 khai mạc tại Cột cờ Thủ Ngữ.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng; đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn TP.HCM; hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa… Lễ hội Sông nước năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn phục vụ người dân và du khách.”
Do đó, cùng với sự phát triển của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM đã qua hơn 300 năm, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng có của TP.HCM đến ngày hôm nay. Vì vậy, “Trên bến dưới thuyền” không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế TP.HCM mà còn là nếp sống, là văn hoá, là di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Đến với Lễ hội, người dân và du khách có thể trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm không gian “Trên bến dưới thuyền” tại kênh Nhiêu Lộc - quận 1, bến Bình Đông – quận 8 với các hoạt động tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân qua các thời kỳ và mua sắm nông sản địa phương. 

Khách du lịch cũng có thể hòa mình vào không khí sôi nổi của các hoạt động thể thao dưới nước với giải đua thuyền truyền thống vô địch TP.HCM; các hoạt động diễu hành trên sông Sài Gòn và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở bến Bạch Đằng, công viên Lam Sơn... Đặc biệt, điểm nhấn đặc sắc của lễ hội là Chương trình nghệ thuật “Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện”, tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại và sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian.

Ngoài ra, Lễ hội còn có các chương trình nghệ thuật hấp dẫn khác phục vụ miễn phí cho người dân như: chương trình nghệ thuật cải lương tại sân khấu phía trước Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; chương trình quảng bá nghệ thuật truyền thống của nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tại phía trước Bưu điện Thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ...

Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 4-6/8 và được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng du lịch và khám phá TP.HCM đến du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời góp phần tạo động lực phát triển kinh tế -văn hóa - xã hội của TP.HCM trong giai đoạn mới - giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số sơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 82 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Tin liên quan
Tin khác