Trong buổi khai trương trung tâm điện máy thứ 7 của Thiên Hòa tại quận Tân Phú (TP.HCM), ông Nguyễn Quang Hòa, Tổng Giám đốc Thiên Hòa hồ hởi cho biết: “Thị trường bán lẻ sản phẩm công nghệ còn rất tiềm năng, sắp tới, Thiên Hòa sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào thị trường này. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ riêng doanh thu của mảng thương mại điện tử của Thiên Hòa tăng đến 200%”.
| ||
Mới đây, Thiên Hòa đã khai trương trung tâm điện máy thứ 7 tại quận Tân Phú (TP.HCM) |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động lại tự tin theo một chiều hướng khác.
“Doanh thu của Thế Giới Di Động trong năm 2013 theo dự kiến sẽ là 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số báo về cho tổng công ty hiện nay khiến chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu là 9000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ là 200 tỷ đồng”, ông Tài khẳng định.
Đây là hai trong số những doanh nghiệp trong ngành có tốc độ phát triển rất tốt và đạt được những kết quả khả quan trong thời gian gần đây.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, tỷ trọng doanh thu của ngành bán lẻ công nghệ nói riêng và ngành bán lẻ nói chung còn thấp. Theo đó, tỷ lệ bán lẻ qua thương mại điện tử chỉ chiếm 0,5%. Đây quả là một con số còn khá khiêm tốn trên thị trường.
Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận đó là một thực tế. “Trong tổng cơ cấu doanh thu năm nay của công ty là 7.500 tỷ đồng, thì thương mại điện tử mới chiếm 700 tỷ đồng, tức chưa đến 10%.”, ông Tài tiết lộ và cho rằng, đó chưa phải là con số mà ông hài lòng.
Trong thời điểm khó khăn này, đâu là giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển? Trả lời cho câu hỏi này, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hòa có cách lý giải thú vị.
“Thiên Hòa có 10 năm thành lập, nhưng chúng tôi mới có 7 trung tâm. Chúng tôi đi chậm nhưng đã đặt chân đến thì làm sao phải tạo ra giá trị tối ưu, hiệu quả cao nhất cho người tiêu dùng cũng như cho đối tác của Thiên Hòa.”
Cái chậm đó, theo ông Hòa, là phải xây dựng một mô hình chuẩn mực từ tiếp thị, bán hàng và hậu mãi. Đó cũng chính là lý do Thiên Hòa là một thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam.
Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm tên miền Việt Nam (Vnnic) thì số người sử dụng internet tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Theo đó, năm 2011 tăng 15% so với năm 2012, lên đến 35 triệu lượt người truy cập. Không chỉ có thế, doanh số của ngành thương mại điện tử cũng được kỳ vọng sẽ phát triển trong thời gian tới.
“Đó chính là những cơ sở mà chúng tôi tin tưởng sẽ phát triển mạnh về mảng bán lẻ công nghệ. Và năm 2014 dự kiến doanh thu của chúng tôi sẽ tăng 50%. Chúng tôi muốn tập trung vào phát triển chiều sâu chứ không mở rộng thêm hệ thống nữa”, ông Nguyễn Đức Tài nói với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn.
Hiện tại, ngoài Tập đoàn Viettel đã có mặt khắp 64 tỉnh thành với 142 cửa hàng thì chỉ có Thế Giới Di Động làm được điều này, với 220 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo ông Tài, đã đến lúc cần phải tập trung đẩy mạnh cho thương mại điện tử và đây là bài toán để tăng trưởng doanh thu.
Ngoài ra việc tập trung phát triển sâu cho mảng dịch vụ, các công ty trong ngành này còn mở rộng ngành kinh doanh liên quan. Đó là bài toán mà Thế Giới Di Động, Phan Khang, Viễn Thông A hay Nguyễn Kim đều đang thực hiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào thành công còn phụ thuộc vào chiến lược riêng của họ.
“Thương mại điện tử là mảng rất quan trọng bên cạnh việc xây dựng các trung tâm bán hàng. Tuy nhiên, thắng hay thua là phụ thuộc vào cách chăm sóc khách hàng, dịch vụ”, Ông Nguyễn Quang Hòa chia sẻ thêm.
Lê Tân – Thanh Vũ