Đầu tư
Khai trương Bệnh viện đa khoa Quốc tế 1.500 tỷ đồng; 6.488 tỷ đồng mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Hạnh Nguyên - 27/10/2024 09:40
Khai trương Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Smart City; Đầu tư 6.488 tỷ đồng mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Dự án hạ tầng gần 300 tỷ đồng tại Quảng Bình chờ hướng dẫn

Dự án Đường và kè nối từ cầu Nhật Lệ 2 đến Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá (phía Nam cầu Nhật Lệ 3) tại TP. Đồng Hới được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2899/QĐ-UBND ngày 13/10/2023 và giao Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 298 tỷ đồng.

Sở GTVT Quảng Bình cho biết, tổng chiều dài toàn bộ Dự án là 2,92 km, bắt đầu được triển khai từ ngày 10/5/2024 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2026 (thi công 671 ngày). Mặc dù vậy, dự án đang gặp nhiều vướng mắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu.

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc điều hành các dự án tại Quảng Bình thuộc Tập đoàn Sơn Hải, nhà thầu thi công gói xây lắp cho biết, đến nay, đơn vị thi công mới được giao 400 m mặt bằng sạch đoạn cuối Dự án, vị trí từ phía Nam cầu Nhật Lệ 3 đến khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và hậu cần nghề cá. Riêng đoạn chính từ khu vực cầu Nhật Lệ 2 đến cầu Nhật Lệ 3 vẫn chưa được bào giao mặt bằng.

“Nếu được bàn giao đồng bộ mặt bằng thì công tác thi công sẽ rất thuận lợi. Tuy nhiên, đợi bàn giao xong hết thì không kịp tiến độ, nên bàn giao được đoạn nào thì tập trung thi công đoạn đó thôi”, ông Phong cho biết.

Sở GTVT Quảng Bình cho biết, trong năm 2024, vốn bố trí cho Dự án là 238 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/9, tổng vốn đã giải ngân cho Dự án là 27,8 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 11,7%). Về tình hình triển khai gói thầu xây lắp, trị giá 198,98 tỷ đồng, đơn vị thi công cũng mới thực hiện giá trị khối lượng 20 tỷ đồng (khoảng 10%).

Được biết, để triển khai Dự án, có 79 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký duyệt hồ sơ trích đo địa chính cho 42 hộ gia đình và một tổ chức. Đồng thời, UBND TP. Đồng Hới đã ban hành thông báo thu hồi đất đợt đầu tiên cho 11 hộ gia đình và một tổ chức; còn 24 hộ gia đình, cá nhân và một tổ chức khác đang được hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình UBND TP. Đồng Hới ban hành thông báo thu hồi đất đợt 2. Số còn lại 37 hộ gia đình, cá nhân khác vẫn chưa ký hồ sơ trích đo.

Ông Đoàn Công Hữu, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình), đơn vị thực hiện công tác trích đo địa chính tại Dự án cho biết đã hoàn thiện và bàn giao sản phẩm trích đo chỉnh lý địa chính 2 đợt cho chủ đầu tư và đang tiếp tục tiến hành hoàn thiện trong đợt 3. “Do một số diện tích đất nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án đang phải xác định nguồn gốc, tranh chấp, nên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trích đo chỉnh lý địa chính đợt 3, đơn vị gặp một số vướng mắc cần được UBND xã Bảo Ninh hỗ trợ tháo gỡ”, ông Hữu cho hay.

Theo UBND TP. Đồng Hới, khó khăn hiện nay trong khâu giải phóng mặt bằng là việc phải xử lý các trường hợp di dời lăng mộ; các trường hợp có nguồn gốc đất đai phức tạp, không rõ ràng; đất có tranh chấp; các hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường…

Cụ thể, hiện có 7 hộ gia đình đang đợi UBND xã Bảo Ninh xác nhận nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng và biên bản họp hộ gia đình để phân người thừa kế tài sản đất, 9 hộ đang tranh chấp về quyền sử dụng đất, 10 hộ không đồng ý ký hồ sơ trích đo, 5 hộ tranh chấp đất làm đường đi lại với UBND xã. Đó là chưa tính 13 chòi, 7 cầu tàu trong phạm vi Dự án, khiến mặt bằng thi công bị chia cắt, gián đoạn.

Ông Hoàng Ngọc Đan, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới cho biết, việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Dự án cũng đang phải tạm dừng do chờ UBND tỉnh Quảng Bình ban hành các quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo Luật Đất đai 2024.

Hải Dương chấp thuận đầu tư dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang 1.496 tỷ đồng

Theo Quyết định số 2690/QĐ-UBND tỉnh Hải Dương, dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang nằm trên địa bàn các xã Hồng Phúc và Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Diện tích khoảng 27,07 ha. Dự án có công suất thiết kế 3 triệu tấn hàng hóa/năm. Sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án là 1.496 tỷ đồng.

Nằm giữa tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh, Hải Dương đã nhìn ra nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Chung

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.

Dự án Cảng thủy nội địa Ninh Giang được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, sẽ xây dựng các hạng mục công trình: Công trình thủy công, khu vực hậu cần ngoài đê, khu hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục khác. Việc xây dựng, hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động khu vực ngoài đê dự kiến trong quý I/2027. Đối với giai đoạn 2, xây dựng các hạng mục công trình như: Khu kho bãi, khu văn phòng, khu hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình khác. Dự kiến, quý IV năm 2028 sẽ xây dựng hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động khu vực trong đê.

UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng nội dung quy định. Tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, thuế, đê điều, phòng, chống thiên tai, giao thông đường thủy, phòng, chống cháy nổ và pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư; chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Khi đi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là cảng thủy nội địa làm đầu mối giao thông, logistics, giao nhận vận tải đa phương thức nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, bốc xếp, lưu giữ, phân phối hàng hóa của khu vực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc hình thành cảng thủy nội địa Ninh Giang sẽ tăng cường khả năng kết nối, phát triển chuỗi cung ứng logistics từ tỉnh Hải Dương đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, từ đó kết nối hàng hóa đi, đến các tỉnh thành trong nước và xuất nhập khẩu quốc tế.

Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với đường thủy nội địa quốc gia sẽ phát triển hạ tầng đường thủy phù hợp với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: tuyến đường thủy nội địa quốc gia có 2 tuyến là Quảng Ninh - Hải Phòng - Việt Trì và tuyến Quảng Ninh - Ninh Bình; phát triển các cảng thủy nội địa: cụm cảng sông Kinh Thầy - Kinh Môn - sông Hàn có 30 cảng, cụm cảng sông Thái Bình có 4 cảng và cụm cảng sông Luộc gồm cảng Ninh Giang.

Đối với đường thủy nội địa địa phương, phát triển 6 tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý. Còn các cảng thủy nội địa khác thì nâng cấp, cải tạo và đưa vào quản lý 17 cảng thủy nội địa hiện có vào hệ thống các đường thủy nội địa quốc gia; phát triển 12 cảng thủy nội địa mới trên các tuyến sông trung ương. Với các bến, cụm bến thủy nội địa sẽ phát triển bến thuỷ nội địa trên các tuyến sông theo các cụm cảng, cụm bến thuỷ hàng hóa, hành khách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Hậu Giang chấp thuận nhà đầu tư khu đô thị vốn hơn 2.025 tỷ đồng

Ngày 21/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa đã ký ban hành Quyết định số 1478/QĐ-UBND chấp thuận Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Đất Miền Tây và Công ty cổ phần Foodinco Quy Nhơn là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Cái Côn, TP. Ngã Bảy.

Tại TP. Ngã Bảy sẽ hình thành Khu đô thị mới Cái Côn, với diện tích hơn 667 ngàn m2. Ảnh: TP. Ngã Bảy

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.025 tỷ đồng gồm chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) gần 1.359ỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 666 tỷ đồng.

Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư gần 304 tỷ đồng, vốn huy động gần 1.721 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành 60 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất.

Dự án Khu đô thị mới Cái Côn, TP. Ngã Bảy có diện tích sử dụng đất khoảng 667.090,54 m2, địa điểm thực hiện tại Khu vực VII, phường Ngã Bảy, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu đầu tư nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở gồm: Nhà ở liền kề có tổng diện tích đất xây dựng 19.911,72 m2, số lượng nhà ở 190 căn; nhà ở biệt thự song lập có tổng diện tích đất xây dựng 6.751,73 m2, số lượng 29 căn; nhà ở biệt thự đơn lập có tổng diện tích đất xây dựng 11.409,16 m2, số lượng nhà ở 37 căn.

Bên cạnh đó, dự án còn bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với diện tích đất là 50.803,01 m2 (chiếm 20% diện tích đất ở). Sau khi nhà đầu tư đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng, bàn giao cho nhà nước theo quy định.

Các nền đất ở còn lại nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền sau khi đã đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Gia Lai đầu tư hơn 440 tỷ đồng hiện đại hóa thủy lợi

HĐND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Nghị quyết số 424/NQ-HĐND thống nhất phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và nguồn trả nợ để đầu tư Dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai.

Dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai được triển khai tại huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư.

Dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai được xây dựng ở huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.

Mục tiêu cụ thể của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng tưới tiêu hiện đại thích ứng biến đổi khí hậu, áp dụng các biện pháp quản lý nước hiệu quả ở nội đồng.

Theo nghị quyết, dự án có tổng mức đầu tư 440,036 tỷ đồng, tương đương 18,999 triệu USD. Trong đó, vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 318,031 tỷ đồng (Trung ương cấp phát 70% là 222,62 tỷ đồng; UBND tỉnh Gia Lai vay lại 30% là 95,409 tỷ đồng); vốn viện trợ không hoàn lại là 6,941 tỷ đồng; vốn đối ứng Ngân sách tỉnh là 115,064 tỷ đồng.

Khoản vay của dự án được áp dụng theo lãi suất SOFR. Đối với khoản nợ gốc (95,409 tỷ đồng), tỉnh Gia Lai sẽ trả nộp trong vòng 20 năm, bình quân 4,77 tỷ đồng/năm. Đối với phần lãi và phí (87,45 tỷ đồng), tỉnh trả trong vòng 25 năm.

Hàng năm, tỉnh Gia Lai sẽ cân đối bố trí nguồn trả nợ gốc vay, lãi, phí và các chi phí liên quan theo quy định. UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm trong việc rà soát mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại, không vượt quá hạn mức dư nợ của ngân sách địa phương, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; đảm bảo chính xác về số liệu trong phương án sử dụng vốn vay, phương án vay lại và trả nợ vay khi đàm phán hiệp định.

Khai trương Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Smart City

Ngày 21/10/2024, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Đây là bệnh viện thứ 8 của Hệ thống y tế Vinmec, với trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ uy tín, Vinmec Smart City kỳ vọng sẽ mở ra lựa chọn mới về dịch vụ y tế chất lượng cao và trở thành bệnh viện tốt nhất khu vực phía Tây Hà Nội.

Vinmec Smart City có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng với quy mô gần gần 60.000 m2, kỳ vọng sẽ mở ra lựa chọn mới về dịch vụ y tế chất lượng cao và trở thành bệnh viện tốt nhất khu vực phía Tây Hà Nội.

Vinmec Smart City tọa lạc tại Khu đô thị Vinhomes Smart City (đường Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Bệnh viện có quy mô gần 60.000 m2, công suất phục vụ tối thiểu 70.000 lượt khám/năm, gồm 14 chuyên khoa, nổi bật là sản – phụ khoa, ngoại khoa với các phương pháp phẫu thuật nội soi và xâm lấn tối thiểu điều trị bệnh lý tiêu hóa, chấn thương chỉnh hình ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 3D để cá thể hóa việc điều trị.

Là bệnh viện thứ 8 trong hệ thống chính thức đi vào hoạt động, Vinmec Smart City không chỉ được đầu tư đồng bộ, hiện đại mà còn được thừa hưởng các thành tựu y khoa và phương pháp quản trị chuyên môn theo các tiêu chuẩn cao nhất thế giới nhằm đảm bảo chất lượng điều trị và an toàn người bệnh.

Cụ thể, về chuyên môn, bên cạnh các chuyên khoa mũi nhọn phục vụ cộng đồng, Vinmec Smart City được định hướng để trở thành đơn vị hàng đầu khu vực về cung cấp dịch vụ sàng lọc và chẩn đoán kỹ thuật cao phát hiện ung thư sớm. Bệnh viện cũng sẽ vận hành Trung tâm huyết học và Trị liệu tế bào tư nhân nhằm giúp người bệnh ung thư tiếp cận với các phương pháp điều trị mới và hiệu quả như CAR-T hay liệu pháp tế bào, liệu pháp miễn dịch.

Về cơ sở vật chất, Vinmec Smart City sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị y tế tối tân từ các nhà cung cấp uy tín nhất thế giới như GE Healthcare (Mỹ), Drager (Đức), Kalz Storz (Mỹ), Roche (Đức), Olympus (Nhật)… Đồng thời, bệnh viện cũng vận hành hệ thống phòng mổ hiện đại cùng trung tâm tiệt khuẩn công nghệ cao xử lý dụng cụ sau phẫu thuật thủ thuật, đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.

Về nhân sự, Vinmec Smart City quy tụ được đội ngũ y bác sĩ đa chuyên khoa xuất sắc, giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản từ các cơ sở y khoa hàng đầu trong và ngoài nước; liên tục được cập nhật các kiến thức của y học thế giới như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Singapore…

Về quản trị, Vinmec Smart City là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng hệ thống quản lý bệnh án điện tử SystemOne. Điểm ưu việt của SystemOne là cho phép bác sĩ ở những cơ sở y tế khác nhau có thể chia sẻ dữ liệu để hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất của bệnh nhân, song song với biện pháp bảo mật cao cấp nhất. Ngoài ra, bệnh viện còn kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các bác sĩ phát hiện kịp thời, chẩn đoán chính xác và thiết kế phác đồ điều trị hiệu quả cho từng nhóm bệnh.

Đặc biệt, Vinmec Smart City là bệnh viện đầu tiên trong Hệ thống triển khai Chương trình Mô phỏng Vận hành Bệnh viện một cách bài bản, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống được phát triển bởi các chuyên gia của Vinmec và Trung tâm mô phỏng - Đại học VinUni nhằm nâng cao kỹ năng xử trí tình huống lâm sàng cho đội ngũ y tế; giảm thiểu tối đa các nguy cơ sai sót; phối hợp đa chuyên khoa, liên tục cải tiến nhằm mang lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn hảo nhất cho người bệnh.

Phát biểu tại Lễ khai trương, ThS.BS Hoàng Đức Vinh, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Vinmec Smart City cho biết: “Vinmec Smart City không chỉ hội tụ được những công nghệ tiên tiến nhất, mà còn kế thừa những kinh nghiệm và cải tiến từ các thành tựu của hệ thống về chuyên môn, vận hành trong những năm gần đây. Bệnh viện có sự kết hợp chặt chẽ giữa chăm sóc - đào tạo và nghiên cứu phát triển, hướng tới xây dựng một hình mẫu bệnh viện chuẩn quốc tế hoàn toàn mới, bắt kịp với những xu hướng chăm sóc sức khỏe hiện đại nhất trên thế giới”.

Với việc có thêm bệnh viện đa khoa quốc tế tại đại đô thị Vinhomes Smart City, Tập đoàn Vingroup tiếp tục khẳng định vị thế là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam trong việc không ngừng nâng cấp chất lượng sống cho cư dân, mở ra lựa chọn chăm sóc sức khỏe đẳng cấp cho cả khu vực phía tây Thủ đô.

Đề xuất đầu tư 9.863 tỷ đồng cải thiện môi trường lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất đầu tư Dự án cải thiện môi trường lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3).

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - một hạng mục của Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) vừa đưa vào vận hành cuối tháng 8/2024 - Ảnh: Lê Toàn

Theo đề xuất của TCIP, Dự án sẽ xây dựng 3 hạng mục chính gồm: hệ thống thoát nước thải cho lưu vực Nam Sài Gòn với diện tích 4.742 ha; xây dựng các tuyến cống ở khu vực phía Nam Quận 8 nhằm giảm tình trạng ngập úng; và xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, diện tích khoảng 20 ha, công suất xử lý 100.000 m3/ngày.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 9.863 tỷ đồng, trong đó 8.509 tỷ đồng (chiếm 86,3% tổng mức đầu tư) đề xuất vay từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản; phần còn lại 1.354 tỷ đồng (chiếm 13,7% tổng mức đầu tư) từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách TP.HCM.

Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2027 đến năm 2032.

Sau khi hoàn thành Dự án sẽ giải quyết tình trạng ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của Thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ và khu vực Nam Sài Gòn.

Khi đó, hàng triệu người dân sống ở khu vực phía Nam, TP.HCM sẽ không phải sống trong cảnh ngập lụt mỗi khi trời mưa và mùi hôi bốc lên từ kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.

Hơn nữa, việc đầu tư giai đoạn 3 sẽ kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải đã được đầu tư ở giai đoạn 2 cho khu vực phía Nam Thành phố (Quận 7, Quận 8 và huyện Nhà Bè).

Đề xuất Trung ương hỗ trợ 2.619 tỷ đồng để đầu tư trục giao thông TP.HCM - Tiền Giang

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có văn bản số 13690/SGTVT-KH gửi Bộ Giao thông - Vận tải góp ý về phương án đầu tư trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50 B).

Bản đồ hướng tuyến trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang.

Sau khi nghiên cứu, cơ quan quản lý giao thông của TP.HCM cho biết, hiện nay Quốc lộ 50 B đã được thể hiện trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến nătn 2040, tầm nhìn đến năm 2060 với quy mô mặt cắt ngang quy hoạch là 40 m.

Tuy nhiên, Dự án chưa được thể hiện tại Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM và các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan trên địa bàn huyện Nhà Bè, Bình Chánh.

Vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chính quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Thành phố sẽ cập nhật vào các quy hoạch có liên quan.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư Dự án, UBND TP.HCM đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 báo cáo HĐND Thành phố, trong đó đề xuất Trung ương hỗ trợ 50% (2.619 tỷ đồng/tổng mức đầu tư dự kiến 5.238 tỷ đồng) đoạn đi qua địa bàn Thành phố.

Vì vậy, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư đoạn đi qua địa bàn Thành phố. 

Về kế hoạch đầu tư, tại dự thảo phương án đầu tư của Dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương nghiên cứu chi tiết phương án đầu tư và triển khai đầu tư các đoạn đi quạ địa bàn, song chưa đề xuất kế hoạch đầu tư cụ thể.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất kế hoạch đầu tư cụ thể trên toàn tuyến để đảm bảo đồng bộ khi đầu tư và đưa vào khai thác.

Trục giao thông đô thị TP.HCM - Long An - Tiền Giang (Quốc lộ 50 B), có tổng chiều dài 55 km. Trong đó, đoạn đi qua TP.HCM dài 5,8 km; đoạn qua Long An dài 35,6 km; đoạn qua Tiền Giang dài 14 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn tuyến là 25.203 tỷ đồng, hiện đã xác định được nguồn vốn đầu tư 7.837 tỷ đồng, còn 17.365 tỷ đồng hiện đang cân đối từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Đây là trục giao thông kết nối TP.HCM và vùng  Đồng bằng Sông Cửu Long có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông liên vùng, giảm tải cho Quốc lộ 50, thúc đẩy phát triễn các đô thị và khu, cụm công nghiệp dọc tuyến.

Đồng thời, giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Vì vậy, việc đầu tư tuyến đường này là rất cần thiết. 

Hải Dương chuẩn bị đầu tư 28 dự án đầu tư công vốn hơn 8.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, 28 Dự án đầu tư công tỉnh Hải Dương chuẩn bị đầu tư có tổng mức đầu tư 8.012,66 tỷ đồng. Trong 28 Dự án, có 7 Dự án đang trình thẩm định và 21 Dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập quy hoạch chi tiết.

Hải Dương dự kiến giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 119.000 tỷ đồng vốn đầu tư công nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển. Ảnh: Thành Chung

Trong 7 dự án đang trình thẩm định có 1 dự án thuộc lĩnh vực giao thông là cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 393, đoạn từ km10+180-km20+050 (đoạn từ cống Ba Đa đến cầu Từ Ô). Tổng mức đầu tư dự án là 176 tỷ đồng. Dự này đang được Sở Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Còn lại 6 dự án xây dựng và hạ tầng kỹ thuật. Bao gồm các dự án: Bảo tồn Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch (100 tỷ đồng); Tu bổ, xây dựng hạ tầng đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, Thành phố Chí Linh, hạng mục sân lễ, bãi xe, bến thuyền và chợ sông Thương (98 tỷ đồng); cải tạo Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Hải Dương (50 tỷ đồng); xây dựng, cải tạo nâng cấp 3 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phong Chí Linh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) vốn đầu tư hơn 86 tỷ đồng; xây dựng nhà khoa nhi, khoa ngoại, khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ sản, khoa nội và hạ tầng kỹ thuật + phụ trợ thuộc Trung tâm y tế huyện Bình Giang (95 tỷ đồng); xây dựng mới nhà lớp học, nhà hiệu bộ; cải tạo nhà lớp học cũ Trường THPT Bình Giang, huyện Bình Giang (67 tỷ đồng).

Hiện các dự án này đều đã và đang hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đối với 21 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập quy hoạch chi tiết thì có 6 dự án trong lĩnh vực giao thông, 15 dự án thuộc xây dựng và hạ tầng kỹ thuật.

Trong 6 dự án giao thông đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập quy hoạch chi tiết, có: Đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 Thành phố Hải Dương, đoạn từ đường 62m (Đại lộ Võ Nguyên Giáp) đến Khu công nghiệp Đại An mở rộng (436,3 tỷ đồng). Xây dựng tuyến đường giao thông kết nối Quốc lộ 17B với cầu Dinh, thị xã Kinh Môn (248 tỷ đồng).

Đường tránh Quốc lộ 37 đoạn qua thị trấn Gia Lộc (đoạn nối cầu Thống Nhất/Quốc lộ 37 với đường Vành đai 1 Thành phố Hải Dương) (682,373 tỷ đồng). Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối Quốc lộ 17B (tỉnh Hải Dương) với đường tỉnh 352 (Thành phố Hải Phòng) đoạn từ Quốc lộ 17B đến đê sông Kinh Thầy, thị xã Kinh Môn (786,086 tỷ đồng). Xây dựng một số đoạn đường gom phía Bắc Quốc lộ 5 trên địa bàn huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương (400 tỷ đồng). Xây dựng cầu vượt sông Thái Bình và đường dẫn thuộc tuyến đường Vành đai 1 Thành phố Hải Dương, đoạn từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390C (1.228 tỷ đồng).

Còn lại 15 dự án xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, lập quy hoạch chi tiết. Đó là dự án: Xây mới Trạm Kiểm lâm Côn Sơn - Hạt Kiểm lâm Thành phố Chí Linh thuộc Chi cục Kiểm lâm Hải Dương (4,8 tỷ đồng). Đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương (795,28 tỷ đồng). Xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 Trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương (297,72 tỷ đồng).

Dự án Xây dựng, cải tạo 11 Trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương (242,7 tỷ đồng). Xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện tâm thần và 4 Trung tâm y tế cấp huyện (Chí Linh, Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Hà) (54 tỷ đồng). Xây mới các khối nhà: cấp cứu, nghiệp vụ kỹ thuật và cận lâm sàng; nghiệp vụ kỹ thuật, cận lâm sàng và nội trú; khám, hành chính, nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh (736,8 tỷ đồng)

Xây dựng trụ sở Ban Quản lý rừng (17,2 tỷ đồng). Cải tạo, tu bổ núi Mâm Xôi và hồ phía Bắc đền Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương (193 tỷ đồng). Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương (địa điểm mới) (200 tỷ đồng). Xây dựng 3 trường trung học phổ thông tỉnh Hải Dương (THPT Hà Đông huyện Thanh Hà; THPT Cẩm Giàng 2 huyện Cẩm Giàng; THPT Kim Thành huyện Kim Thành) (85 tỷ đồng)... Xây dựng giảng đường thuộc Trường Đại học Hải Dương (100 tỷ đồng). Xây dựng Trung tâm bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh Hải Dương (40 tỷ đồng). Xây dựng Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao thuộc Khu Liên hợp Văn hóa thể thao tỉnh (790 tỷ đồng). Xây dựng Đền thờ liệt sĩ và công viên văn hóa tỉnh Hải Dương (200 tỷ đồng). Phục hồi suối Côn Sơn thuộc khu di tích Côn Sơn, phường Cộng Hoà Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương (45,46 tỷ đồng).

Để bảo đảm các dự án trên triển khai theo đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương đề nghị các sở chuyên ngành phối hợp, rút ngắn thời gian thẩm định, sớm hoàn thiện hồ sơ đầu tư. Những dự án được phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 phấn đấu khởi công trước ngày 31/10.

Năm 2024, tổng vốn đầu tư công của Hải Dương là hơn 8.300 tỷ đồng, cao hơn 1.457,9 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tăng gần 650 tỷ đồng so với năm 2023. Nguồn vốn cấp tỉnh quản lý đầu tư cho 71 dự án, công trình giao thông, y tế, giáo dục,... nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển.

Bình Dương: Cầu Bạch Đằng 2 vốn 490 tỷ đồng thông xe nhưng chưa hoàn thiện

Ngày 22/10, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - Xã hội 9 tháng, ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án (Ban quản lý dự án) đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã thông tin về công trình dự án Cầu Bạch Đằng 2 (nối giữa Bình Dương và Đồng Nai).

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án, Cầu Bạch Đằng 2 có chiều dài gần 1km, trong đó phần cầu dài hơn 401m, phần đường dẫn cầu dài hơn 544m. Cầu có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Với tổng mức đầu tư hơn 490 tỷ đồng, do ngân sách của hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cùng thực hiện.

Cầu Bạch Đằng dù được thông xe nhưng vẫn chưa hoàn thiện vì vướng giải phóng mặt bằng.

Vào ngày 23/9 vừa qua, 2 tỉnh này đã tổ chức lễ khánh thành thông xe và chính thức cho cây cầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì đoạn đường dẫn lên cây cầu vẫn chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong qua trình lưu thông.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết; Cầu Bạch Đằng 2, nối Tp.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với Đồng Nai, đã thông xe nhưng đường dẫn chưa hoàn thành do vướng mắc trong việc bàn giao mặt bằng từ 3 hộ dân tại thời điểm khánh thành.

Cuối tháng 9/2024, Ban Quản lý Dự án cùng chính quyền địa phương đã vận động người dân bàn giao mặt bằng. Hiện tại, mặt bằng đã đạt trên 99% và đơn vị thi công đang tiến hành hoàn thiện phần đường dẫn. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, công trình sẽ hoàn thành vào giữa tháng 11.

Chia sẻ với Báo Đầu Tư, ông Việt khẳng định Cầu Bạch Đằng 2 là một trong những công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa rất quan trọng về đời sống, kinh tế và liên kết phát triển vùng. Chính vì vậy, Ban Quản lý dự án vẫn đang đốc thúc để sớm hoàn thiện những hạng mục còn lại trong thời gian sớm nhất.

Dự án cầu Bạch Đằng 2, khởi công vào cuối năm 2021, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và đi vào hoạt động từ cuối tháng 9/2024.

Cầu không chỉ mở ra không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ giữa hai tỉnh mà còn kết nối Bình Dương với các tuyến giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Để nối dài hiệu quả của cầu Bạch Đằng 2, phía UBND Đồng Nai đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên thông với cầu như hương lộ 7, hương lộ 9. Các tuyến đường vành đai thành phố Biên Hòa đang hoàn tất hồ sơ thiết kế với lộ giới 60m, các tuyến ĐT768B, ĐT768 nối dài cũng được phía Đồng Nai nghiên cứu xây dựng để phát huy hiệu quả của cầu.

Quảng Nam đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hơn 2.700 tỷ đồng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã có Tờ trình số 7910 gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027 theo Quyết định 396 của Thủ tướng Chính phủ thành từ năm 2022 - 2030.

Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.

Về lý do điều chỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 29/3/2022 và UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 574/QĐ-UBND ngày 14/3/2024, theo đó thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được ký kết Hiệp định với Nhà tài trợ ngân hàng Thế giới (WB).

UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu rõ: Hiện nay, Bộ Tài chínhNgân hàng Thế giới đang thực hiện các thủ tục để đề xuất đàm phán Hiệp định dự án. Để có đủ thời gian thực hiện hoàn thành dự án, trên cơ sở ý kiến của Ngân hàng Thế giới, UBND tỉnh Quảng Nam trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để tổ chức triển khai đảm bảo theo quy định

Được biết, dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam là dự án nhóm A với tổng vốn thực hiện 118,7 triệu USD, tương đương 2.748,61 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay WB 79,12 triệu USD (tương đương 1.832,1 tỷ đồng); vốn đối ứng 39,58 triệu USD (tương đương 916,51 tỷ đồng). 

Dự án nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận đến các dịch vụ cơ sở hạ tầng thích ứng và nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý phát triển thích ứng với rủi ro thiên tai tại các địa bàn thực hiện Dự án tỉnh Quảng Nam.

Dự án sẽ nạo vét sông Trường Giang và xây dựng mới 6 cây cầu vượt sông Trường Giang. Dự án thực hiện trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ với tổng chiều dài tuyến luồng khoảng 60 km.

Liên quan đến dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng khẳng định, đây là dự án động lực của tỉnh. Dự án này sẽ tạo điều kiện phát triển vùng Đông của tỉnh, đồng thời sẽ tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm ven biển, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt đồng bộ góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đầu tư 6.488 tỷ đồng mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Dự án thực hiện tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 và Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực theo quy hoạch, phát huy vai trò hành lang kinh tế Bắc - Nam kết nối các địa phương, bảo đảm đồng bộ, hiện đại; nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an toàn giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực; phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ nói chung.

Một đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo Quyết định, chiều dài tuyến khoảng 98,35 km. Hướng tuyến bám theo tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác. Điểm đầu (Cam Lộ) tại Km0+000, kết nối với điểm cuối dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Điểm cuối (La Sơn) tại khoảng Km102+200, kết nối với điểm đầu dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu tư mở rộng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe. Tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến hiện tại đang khai thác, đường cao tốc cấp 80 theo TCVN 5729-2012 và QCVN 115:2024/BGTVT. 

Đây là Dự án nhóm A, đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 6.488 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 là 5.488 tỷ đồng. Nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là 1.000 tỷ đồng.

Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Giao thông Vận tải.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và các thông tin, số liệu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, các thông tin báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan; tổ chức triển khai lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo đúng quy định của pháp luật;

Thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường, nhu cầu sử dụng đất, chuyển đổi đất rừng, mặt bằng thi công, mỏ vật liệu... theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án và triển khai Dự án.

Tổ chức lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước;

Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai Dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để triển khai Dự án theo tiến độ, đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có phát sinh) đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô, diện tích, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan về việc khai thác các mỏ vật liệu thông thường trên địa bàn theo quy hoạch, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng tiến độ của Dự án...

Đồng Tháp đầu tư 168 tỷ đồng cho Dự án đảm bảo nước sạch vùng nông thôn

Ngày 23/10, UBND tỉnh Đồng Tháp có Quyết định phê duyệt Dự án đảm bảo nước sạch vùng nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp.

Mục tiêu đầu tư Dự án nhằm giải quyết tình trạng nhiễm Asen, nâng chất lượng nước sạch cấp cho các hộ dân đạt tiêu chuẩn theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ y tế, chuyển đổi trạm cấp nước sử dụng nước ngầm thành nước mặt tại các khu vực nằm trong dự án.

Ảnh minh họa

Nâng cấp, thay thế công nghệ lọc nước kém hiệu quả, chi phí sản xuất cao bằng công nghệ hiện đại và sử dụng công nghệ tiên tiến khi đầu tư trạm cấp nước mới; đảm bảo lưu lượng cấp và áp suất trên toàn bộ mạng lưới đường ống cấp cho các hộ dân; giảm thất thoát trong giới hạn cho phép theo quy định; đồng thời kết nối vùng hòa mạng bổ trợ lưu lượng các trạm.

Quy mô đầu Dự án gồm đầu tư sửa chữa, xây mới và nâng công suất của 4 trạm cấp nước trên địa bàn các huyện Tân Hồng, Thanh Bình và Cao Lãnh, với tổng công suất nâng cấp bổ sung mới 12.000 m3 /ngày đêm (trong đó: 1 trạm cấp nước công suất 2.000m3/ngày đêm; 2 trạm cấp nước công suất 2.500 m3/ngày đêm; 1 trạm cấp nước công suất 5.000 m3/ngày đêm). Tổng chiều dài tuyến ống của mạng lưới cấp nước khoảng 150,909 km (đường kính ống khoảng D60mm đến D315mm).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 168 tỷ đồng, từ nguốn ngân sách nhà nước (Vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 150 tỷ đồng; vốn vay và huy động hợp pháp khác là18,064 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện Dự án: Năm 2022 - 2025.

UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư) có trách nhiệm tổ chức lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục và thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy định pháp luật; có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng dự án đảm bảo đúng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt.

Đầu tư 326 tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước Khu công nghiệp Hoàng Mai II

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 2763/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống thoát nước quanh Khu công nghiệp Hoàng Mai II.

Dự án có tổng mức đầu tư trị giá 326 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước được xây mới hoàn toàn, tổng chiều dài 9,7 km.

Dự án bao gồm hệ thống thoát nước mặt cho phía trong và ngoài Khu công nghiệp Hoàng Mai II; hệ thống thoát nước thải đã xử lý đạt chuẩn cho Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp để góp phần đồng bộ hạ tầng, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp Hoàng Mai II.

Dự án trên cũng bao gồm các hạng mục như tuyến đường hoàn trả, vận hành; hệ thống cống ngang, máng dẫn; hệ thống an toàn giao thông; hệ thống chiếu sáng...

Tổng mức đầu tư của dự án là 326 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn quy định về ưu đãi trong đầu tư và đền bù giải phóng mặt bằng; nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu và từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hàng năm. Tiến độ thực hiện không quá 4 năm, kể từ ngày khởi công.

UBND tỉnh Nghệ An giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và thị xã Hoàng Mai hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư theo đúng quy định; đảm bảo mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án; sớm hoàn thành thủ tục về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng liên quan đến dự án theo quy định…

Khu công nghiệp Hoàng Mai II được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2023, quy mô diện tích đất 334,7 ha, tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 570 tỷ đồng.

Cùng với Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt đã được chấp thuận là nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày 9/10/2023.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu giải quyết dứt điểm các tồn tại của Dự án BOT Quốc lộ 51

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường cao tốc Việt Nam, Ban Quản lý Dự án 7, Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) về việc xử lý các vướng mắc tại Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600.

Quốc lộ 51 đoạn qua TP. Biên Hòa hư hỏng trầm trọng từ lâu chưa được khắc phục. Ảnh: Minh Thành, Báo Đồng Nai.

Được biết, trong thời gian vừa qua, lãnh đạo bộ này đã có nhiều văn bản yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600, xác định chính thức ngày kết thúc thu phí của).

Tuy nhiên kể từ khi dừng thu phí đến nay đã hơn 1 năm 8 tháng, Cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện rất chậm và chưa có kết quả giải quyết dứt điểm tồn tại của dự án.

Theo phản ánh của UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tuyến đường thuộc phạm vi Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600 sau khi tạm dừng thu phí đến nay đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, tình trạng ổ gà, mặt đường rạn nứt, vạch sơn phân làn nhiều đoạn bị mất..., tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông.

Để đẩy nhanh giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm, đúng thẩm quyền của mình trong việc thực hiện Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 51 đoạn Km0+900 - Km73+600.

Cục Đường bộ Việt Nam phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ Bộ GTVT đã giao, khẩn trương làm việc, đàm phán với BVEC để giải quyết các đề nghị của BVEC, UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngân hàng tài trợ, kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại của dự án, xác định chính thức ngày kết thúc thu phí của dự án và quyết định theo thẩm quyền.

Cục Đường bộ Việt Nam chỉ báo cáo Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền để xem xét giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư số 50/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ GTVT quy định về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức PPP do Bộ GTVT quản lý.

Đối với công tác bảo trì trong giai đoạn tạm dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan quản lý trong giai đoạn khai thác khẩn trương kiểm tra, rà soát và làm việc với BVEC để làm rõ trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì, có giải pháp bảo trì tuyến đường, bảo đảm an toàn trong khai thác theo quy định. Cục Đường bộ Việt Nam chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Bộ GTVT khi để xảy ra các vấn đề phát sinh (nếu có) đối với Dự án theo quy định.

Bộ GTVT giao Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam trong quá trình thực hiện và tham mưu Bộ GTVT các nội dung liên quan đến dự án theo quy định.

Ban quản lý dự án 7 phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC trong việc thực hiện các tồn tại của dự án; khẩn trương rà soát các nội dung liên quan đến công tác quyết toán dự án hoàn thành và hoàn thiện các thủ tục cần thiết để quyết toán đối với khối lượng còn lại (nếu có) theo quy định.

Bộ GTVT yêu cầu BVEC có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, quyền và nghĩa vụ theo quy định hợp đồng dự án, phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết.

Theo hợp đồng giữa Cục Đường bộ Việt Nam và BVEC ký vào năm 2009, tổng thời gian thu phí hợp đồng Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 là 20,66 năm, trong đó thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16,66 năm (từ ngày 3/8/2012 đến 27/3/2029); thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm (từ ngày 28/3/2029 đến 28/3/2033).

Đến cuối tháng 2/2017, thời gian thu phí hoàn vốn Dự án được điều chỉnh thành 20 năm 6 tháng 11 ngày, tức là từ ngày 1/7/2009 đến hết ngày 12/1/2030 và 4 năm thu phí tạo lợi nhuận.

Vào cuối năm 2018, do có một số thay đổi liên quan đến yếu tố đầu vào và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Đường bộ Việt Nam tính lại thời gian thu phí tạo lợi nhuận và đã giảm thời gian tạo lợi nhuận từ 4 năm xuống còn 9 tháng.

Để tránh việc BVEC thu phí vượt quá thời gian, ngày 9/1/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã phát văn bản số 137/CĐường bộ Việt Nam tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 từ 7h00’ ngày 13/1/2023 trong khi các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa kết thúc.

Sau khi Dự án tạm dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với công tác quản lý, bảo trì Dự án và báo cáo xác lập quyền sở hữu toàn dân nhưng chưa được Bộ tài chính chấp thuận do chưa đủ cơ sở pháp lý theo quy định.

Được biết, các tồn tại của Dự án chủ yếu về phí bảo toàn vốn chủ sở hữu 8,7%/năm và thời gian thu phí tạo lợi nhuận 4 năm chưa được các bên thống nhất.

Trong suốt thời gian vừa qua, BVEC liên tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị giải quyết các tồn tại của dự án; UBND tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngân hàng tài trợ đã có văn bản hối thúc Bộ GTVT giải quyết dứt điểm.

Đấu thầu rộng rãi chọn nhà đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Đầu tháng 10/2024, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) xây dựng xong dự thảo thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn I). Bản dự thảo đưa ra đầy đủ các phương án chọn nhà đầu tư với nhiều yêu cầu bắt buộc về năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư các dự án đường cao tốc...

Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 19.617 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào Dự án là 9.943 tỷ đồng (chiếm 50,69% tổng mức đầu tư) dùng để xây dựng tuyến đường chính. Còn phần vốn nhà nước tham gia trong dự án là 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư dự án, dùng để giải phóng mặt bằng và xây dựng các cầu dân sinh.

Theo phương án được Ban Giao thông TP.HCM xây dựng thì trong tổng số 9.943 tỷ đồng do nhà đầu tư thu xếp, phải có tối thiểu 1.491 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 15% tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 77, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP).

Trường hợp liên danh thì từng thành viên phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

Nhà đầu tư khi tham gia đầu tư Dự án sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, tại dự án này sẽ có cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu thực hiện theo quy định tại Điều 82, Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.

Sau khi Dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được thu phí trong thời gian dự kiến là 16 năm 9 tháng, với mức giá khởi điểm dự kiến khoảng 2.100 đồng/km đối với xe nhóm 1. Mức thu đối với các nhóm xe còn lại được xác định theo hệ số tương quan giữa các nhóm xe theo hình thức thu phí theo chặng được quy định tại Thông tư 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Trong đó, hệ số xe nhóm 2 là 1,4 lần; xe nhóm 3 là 2,1 lần; xe nhóm 4 là 3,8 lần và xe nhóm 5 là 5,7 lần so với xe nhóm 1.

Dự thảo cũng đưa ra mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cho dự án sơ bộ khoảng 11,77%/năm. Còn lãi suất vốn vay của dự án căn cứ quy định Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, theo đó tỷ lệ lãi vay được xác định dựa trên cơ sở tham chiếu lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay và tham chiếu các dự án tương tự đang được Bộ GTVT triển khai thực hiện (dự kiến áp dụng cho Dự án là 10,7%/năm).

Một trong những vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất chính là hình thức lựa chọn nhà đầu tư cũng được nêu trong bản dự thảo cuối cùng.

Cụ thể, trường hợp có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện Dự án thì sẽ đàm phán cạnh tranh. Trường hợp có từ 6 nhà đầu tư trở lên quan tâm, trong đó có ít nhất 1 nhà đầu tư nước ngoài đăng ký quan tâm thì sẽ đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển.

Nếu có từ 6 nhà đầu tư trong nước trở lên đăng ký quan tâm, thì sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước có sơ tuyển.

Trường hợp có dưới 6 nhà đầu tư trong nước quan tâm thì sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước (không sơ tuyển). Tương tự, đối với trường hợp có dưới 6 nhà đầu tư quan tâm, trong đó có 1 nhà đầu tư nước ngoài thì đấu thầu rộng rãi quốc tế, không sơ tuyển.

Để tăng tính hấp dẫn của Dự án, TP.HCM mong muốn nhà đầu tư có ý kiến đánh giá sơ bộ về tính hấp dẫn, tính khả thi và hiệu quả tài chính của Dự án; mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư; khả năng huy động, cung cấp nguồn vốn tín dụng để triển khai Dự án.

Ngoài ra, TP.HCM cũng mong muốn nhà đầu tư có ý kiến đánh giá về tiến độ triển khai thực hiện Dự án; những khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung cấp vật liệu để triển khai Dự án...

Hiện nay, dự án nhận được sự quan tâm của một số nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đầu tháng 2/2024, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) gửi đề xuất đến UBND TP.HCM với mong muốn được tham gia đầu tư Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Hà Tĩnh: Hơn 16 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng 

Thông tin từ  Ban Quản lý (BQL) KKT tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2024 đến nay, BQL đã thực hiện cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 Dự án trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký gần 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BQL Khu kinh tế tỉnh cũng đã thực hiện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án đầu tư sản xuất và thương mại công nghệ pin lithium của Công ty TNHH Giải pháp năng lượng công nghệ cao V-G; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án.

Khu Kinh tế Vũng Áng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án trong nước từ đầu năm 2024 đến nay


Lũy kế đến nay, trên địa bàn các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh có 191 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó: Khu kinh tế Vũng Áng có 148 dự án, bao gồm 55 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là hơn 16 tỷ USD và 93 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 64.128 tỷ đồng.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2.073 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký gần 4,9 triệu USD; Khu công nghiệp Gia Lách có 14 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 1.632 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP) với tổng vốn đầu tư trên 1.555 tỷ đồng.
Các dự án đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho trên 20.000 lao động là người Việt Nam và lao động người nước ngoài.
Ông Phạm Trần Đệ, Phó BQL Khu kinh tế Hà Tĩnh cho biết, với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, cảng biển kết nối đồng bộ, Hà Tĩnh đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đầu tư các Dự án động lực, tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt.
Theo ông Đệ, BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh cũng như chính quyền các cấp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh luôn nỗ lực tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
"Thời gian tới, BQL sẽ tiếp đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách, triển khai các dự án đúng tiến độ, sản xuất, kinh doanh hiệu quả", ông Đệ cho biết

Đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp 5,5 km Quốc lộ 37 qua Hải Dương

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn từ Quốc lộ 18 đến ngã ba An Lĩnh.

Bản đồ hướng tuyến Dự án nâng cấp Quốc lộ 37

Dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên đoạn tuyến; giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông; từng bước hoàn thiện hệ thống quốc lộ theo quy hoạch; góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP. Chí Linh nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.

Dự án có điểm đầu tại vị trí giao cắt với quốc lộ 18 thuộc phường Sao Đỏ, TP. Chí Linh (khoảng Km87+403 lý trình Quốc lộ 37), điểm cuối tại nút giao An Lĩnh thuộc phường Cộng Hòa, TP. Chí Linh (khoảng Km92+900 lý trình Quốc lộ 37). Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 5,5 km.

Theo đề xuất Dự án có quy mô đầu tư 4 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (TCVN 4054:2005). Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án khoảng 998,5 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương.

Do nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT đã phân bổ hết, chưa thể bố trí cho Dự án nên Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối từ các nguồn vốn hợp pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền sớm triển khai dự án.

Kế hoạch thực hiện Dự án tùy thuộc khả năng bố trí vốn, hoàn thành dự án sau 24 tháng kể từ khi xác định được nguồn vốn.

Được biết, Quốc lộ 37 đoạn Km81+750 – Km99+680 dài khoảng 18,62 km thuộc địa phận TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương (lý trình trước đây là Km77+850 – Km93+839, hiện nay lý trình đã được thay đổi trên thực địa).

Hiện tại đoạn tuyến từ Km87+403 – Km99+680 có bề rộng nền đường trung bình từ 7,5 – 9 m; bề rộng mặt đường trung bình từ 5,5m – 7 m (riêng đoạn từ Km87+822 – Km88+607 qua Khu đô thị Trường Linh có nền đường rộng 64 m; mặt đường rộng 9m); mặt đường bằng bê tông nhựa đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải nhất là vào mùa lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Tin liên quan
Tin khác